Không giống như dự báo, các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam vẫn còn khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, vì vậy, đòi hỏi phải có những chính sách phù hợp để thúc đẩy. Theo tin từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cuối tháng 9 vừa qua, một đoàn doanh nghiệp (DN) Mỹ hoạt động trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm đã tới Việt Nam. Đại diện các DN đã gặp các DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản để tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư, thương mại. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng với hàng nông sản Mỹ. Năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu nông - lâm - thủy sản hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đạt khoảng 3,4 tỷ USD. Do đó, các DN Mỹ đang quan tâm tới thị trường Việt Nam và muốn tăng cường khả năng kết nối, giao thương với DN Việt Nam để khai thác thị trường của nhau. Ở chiều ngược lại, thị trường Mỹ cũng là một trong những thị trường quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Kế hoạch mà Bộ Công thương đề ra cho xuất khẩu các mặt hàng vào Mỹ năm 2011 đạt 14,5 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2010. Trong đó, các sản phẩm cà phê, thủy sản chiếm một tỷ lệ đáng kể. Trước đây vài năm, khi xây dựng kế hoạch xuất khẩu các nhóm sản phẩm, các nhà làm chính sách của Bộ Công thương và các chuyên gia thương mại cho rằng, dư địa tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông, thủy sản đã hết do không thể tiếp tục tăng về diện tích nuôi trồng cũng như tăng năng suất. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu nông, thủy sản trong thời gian gần đây lại chứng minh ngược lại. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2008 đạt 4,5 tỷ USD, thì năm 2010 đã đạt 4,95 tỷ USD, và dự kiến năm 2011 sẽ là 5,2 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2008 đạt 1,6 tỷ USD, thì năm 2010 đạt 2,3 tỷ USD và năm 2011 vẫn giữ thành tích 2,3 tỷ USD. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đã đạt kim ngạch 4,39 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu gạo đạt 3 tỷ USD, tăng 20%; xuất khẩu cao su là 2,27 tỷ USD, tăng 59%; xuất khẩu hạt điều đạt 1,08 tỷ USD, tăng 38,9%... Chính những con số này đã khẳng định lại vai trò của xuất khẩu nông, thủy sản trong bối cảnh hiện nay. Điều đó dẫn tới việc cần có những chính sách phù hợp để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam. Tại những cuộc giao ban xuất khẩu gần đây của Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nhận xét, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đang đóng góp phần đáng kể cho xuất khẩu chung và không bị giảm kim ngạch như dự báo trước đây. “Điều này cho thấy các chính sách thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu một cách đồng bộ cần được quan tâm. Với lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông sản, việc thu mua tạm trữ cần được quan tâm nhất để đảm bảo ổn định nguồn hàng, chờ được cơ hội bán giá tốt nhất”, ông Biên nói. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cũng nhận xét, trong giai đoạn hiện nay, khó khăn lớn nhất trong xuất khẩu cà phê là có vốn để mua tạm trữ hàng hóa. Đã từng nghiên cứu mô hình xuất khẩu nông sản, nhất là sản phẩm gạo của Thái Lan, TS. Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại cho rằng, chính sách điều tiết để đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất, khâu trung gian xuất khẩu là quan trọng nhất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng ổn định. “Kinh nghiệm cho thấy, các hiệp hội trồng lúa, xay xát, xuất khẩu được tách bạch, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng một cách rõ ràng và cũng tạo được mối liên kết rõ để đảm bảo xuất khẩu ổn định với chất lượng cao”, TS Nam chỉ ra kinh nghiệm của Thái Lan trong xuất khẩu nông sản. Hàng loạt các vấn đề trong sản xuất, xuất khẩu nông, thủy sản mà Việt Nam đang gặp phải cần sớm được giải quyết. Trong đó, việc nghiên cứu để tìm ra mô hình đầu tư cho từng ngành hàng cụ thể, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định là rất cần thiết. Có làm được như vậy mới giải quyết được tình trạng mâu thuẫn thừa - thiếu nguyên liệu mà ngành thủy sản đang gặp phải hiện nay. Nguồn:baodautu.vn |
0 comments:
Đăng nhận xét