Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng lâm sản và đồ gỗ chính 9 tháng đầu năm ước đạt 3 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 18%. Như vậy, mục tiêu 4 tỷ USD cho năm 2011 là hoàn toàn có thế. Nhưng xung quanh vấn đề này còn rất nhiều nỗi lo khác. Từ rào cản thị trường xuất khẩu Đó là các đạo luật Lacey của Mỹ và FLEGT của EU. Theo đạo luật Lacey, gỗ và sản phẩm từ gỗ vào Hoa Kỳ, bắt buộc phải nộp tờ khai, chứng từ rõ ràng về tên, loại gỗ, quốc gia khai thác gỗ, cách thức khai thác..., tức là phải có chứng nhận FSC (Forest Stewardship Council) của Hội đồng quản lý rừng bền vững thế giới. Đến tháng 1/2012 tới, đạo luật FLEGT của EU cũng sẽ có hiệu lực. Cả 2 đạo luật này đều đòi hỏi nhà xuất khẩu phải trình bày chuỗi hành trình, tất cả các khâu từ khai thác cho đến thành phẩm một cách minh bạch, rõ ràng. Đây thực sự là một trở ngại rất lớn cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam. Vì trên thực tế vẫn chưa có một ý kiến chính thức và thống nhất nào về việc phân công cho cơ quan Nhà nước hay một tổ chức chịu trách nhiệm cấp chứng nhận FSC cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Không chỉ vậy, đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ và sản xuất hộ gia đình thì việc xin được giấy chứng nhận FSC là điều dường như không thể do chi phí cho việc này rất cao, tới hàng nghìn USD và thủ tục thì rất phức tạp. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Ninh, tỉnh có 427.000ha rừng, trên 40 doanh nghiệp, cơ sở chế biến, sản xuất gỗ. Tuy nhiên, tới nay mới chỉ có rất ít doanh nghiệp có được chứng chỉ FSC này. Trong khi đó, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam còn kém so với các nước khác như Myanmar, Malaysia và Indonesia... Vì các nước này có đủ nguồn gỗ cung cấp nên giá thành thấp hơn. Theo thống kê, Việt Nam phải nhập 80% nguyên liệu (4 triệu m3 gỗ tròn và phụ liệu từ 26 nước và vùng lãnh thổ). Do đó rất khó kiểm soát nguồn gốc và tính hợp pháp của sản phẩm gỗ. Đó là một khó khăn lớn trong việc xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Đặc biệt là khi vào những thị trường truyền thống và đầy tiềm năng như Mỹ và EU (Mỹ chiếm 45% và EU chiếm 30%). Đến trong nước Điều này thể hiện trước hết ở việc phân bố các doanh nghiệp gỗ chế biến không đồng đều. Trong số 3000 DN chế biến gỗ thì Miền Bắc chỉ chiếm khoảng 14%; vùng Bắc Trung Bộ chiếm khoảng 6%; còn lại khoảng 80% tập trung ở Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ và Nam bộ. Các phụ liệu cho sản xuất (sơn, keo, các loại giấy…) cũng phải nhập khẩu do ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển. Đặc biệt, công nghệ sản xuất gỗ của Việt Nam còn khá lạc hậu, phần lớn dây chuyền thiết bị, máy móc được sản xuất từ Đài Loan, Trung Quốc, chỉ một số ít sản xuất tại Đức, Italy, Nhật. Các doanh nghiệp chế biến gỗ là doanh nghiệp vừa và nhỏ, yếu về năng lực quản lý, thiếu công nhân kỹ thuật, thiếu vốn, vì vậy nên các sản phẩm xuất khẩu không đa dạng, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của thị trường. Hiện nay, chính phủ đã và đang tập trung nỗ lực để kìm chế lạm phát và giảm nhập siêu. Điều này hoàn toàn đúng với quy mô quốc gia nhưng đối với một số ngành sản xuất cụ thể là ngành gỗ mà nguồn nguyên liệu chủ yếu dựa vào nhập khẩu thì quả là một khó khăn. Đấy là còn chưa kể đến việc tiếp cận nguồn vốn vay bằng VNĐ cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất gỗ vẫn còn bất cập. Lãi xuất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Điều này làm chi phí tăng cao ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ xuất khẩu. Không chỉ vậy, các chính sách về thuế đất, tích tụ đất trồng rừng của Việt Nam cũng chưa thực sự phù hợp, các quy định về khai thác rừng tự nhiên thuộc đối tượng rừng sản xuất chưa thông thoáng vì thế nên các doanh nghiệp chế biến gỗ khó tiếp cận với đất và rừng để xây dựng vùng nguyên liệu cho mình. Và giải pháp Để giải quyết các nỗi lo trên, cần những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của việc xuất khẩu gỗ nói riêng và của cả ngành gỗ nói chung. Trước hết, cần tiến hành Quy hoạch lại mạng lưới chế biến gỗ toàn quốc hợp lý về phân bố theo vùng, miền, cân đối về cơ cấu, nhất là cần lưu ý phát triển hơn nữa các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước. Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp chế biến gỗ lớn đều tập trung ở phía Nam ( công nghiệp chế biến gỗ phía Bắc còn yếu); các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ khá lớn. Song song với đó, cần tiến hành sớm việc xây dựng các Trung tâm đầu mối nhập khẩu và cung cấp nguyên liệu (chợ gỗ) tại các vùng chủ yếu trong toàn quốc, tổ chức lại hệ thống cung cấp nguyên liệu ổn định. Về lâu dài cần tổ chức sản xuất kinh doanh ngành chế biến, xuất khẩu gỗ thành 3 tổ chức chuyên nghiệp đó là: cung cấp nguyên liệu, sản xuất và xuất khẩu. Thứ hai, Việt Nam cần tạo thị trường gỗ nhập khẩu ổn định ở những nước có sự hợp tác song phương, liên kết khai thác với các hợp đồng dài hạn, chắc chắn và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp pháp để đảm bảo điều kiện xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu sản phẩm gỗ yêu cầu. Việt Nam cần tiếp tục có những chính sách để mở rộng và phát triển các thị trường truyền thống (Hoa Kỳ, EU, Nhật) đồng thời tiếp thị và mở rộng sang các thị trường khác như: Nga, Đông Âu, Châu Phi...). Đây là những thị trường rất có tiềm năng xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Thứ ba, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên cơ sở tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm tinh chế, sản phẩm gỗ nội thất có chất lượng cao để tăng giá trị của sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu. Đặc biệt là phải xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm, tiến tới xuất khẩu trực tiếp sản phẩm gỗ và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua việc đa dạng hoá mặt hàng, tăng cường năng lực thiết kế, tạo dáng, mẫu mã sản phẩm, để đủ sức cạnh tranh với hàng các nước nhất là hàng của Trung Quốc. Ngoài ra, Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư trồng rừng nguyên liệu, có chính sách khuyến khích và ưu đãi (về đất đai, vốn đầu tư, thuế...) để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu tập trung, nhất là gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, nhằm chủ động về nguyên liệu và giảm dần lượng gỗ nhập khẩu hàng năm. Việc đầu tư phát triển rừng nguyên liệu ổn định hình thành những vùng nguyên liệu tập trung đi đôi với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn trên cơ sở tạo được đầu ra của sản phẩm. Nhà nước cũng phải có các chính sách trợ giúp, khuyến khích cho các chủ rừng xin cấp chứng chỉ rừng. Thu Hà |
0 comments:
Đăng nhận xét