“Xuất khẩu của Việt Nam 9 tháng đầu năm có sự gia tăng cả về lượng lẫn giá. Với đà tăng trưởng này, xuất khẩu của Việt Nam trong cả năm 2011 sẽ chạm ngưỡng kỷ lục 95 tỉ USD…” là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên tại Hội nghị giao ban đánh giá tình hình xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2011 và bàn biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu năm 2012 diễn ra ngày 11/10 tại Tp.Hồ Chí Minh. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2011 đạt 70 tỉ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ; trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đạt 8,3 tỷ USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ. Trong các nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản có mức tăng trưởng cao nhất (tăng 45,3%), ước đạt 8,4 tỷ USD; kế đến là nông – lâm – thủy sản (tăng 39,8%), ước đạt 14,9 tỷ USD. Nhóm sản xuất công nghiệp và công nghiệp chế biến cũng có mức tăng trưởng ấn tượng khi thu về 46,7 tỉ USD, đạt mức tăng trưởng 32,5%, chiếm 66,6% tổng giá trị kim ngạch của cả nước; trong đó dệt may đang giữ vị trí số một với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 10,5 tỉ USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2010. Về thị trường xuất khẩu, châu Phi và châu Á – Thái Bình Dương là hai thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất, trong đó châu Phi đã tăng 170% so với cùng kỳ (chủ yếu do xuất khẩu vàng sang Nam Phi với mức tăng 8,6 lần) và châu Á – Thái Bình Dương (tăng 42%). Ngoài ra, thị trường châu Âu tăng 27,2%, châu Mỹ tăng 23,2%, châu Đại Dương tăng 3,7%... Những con số ấn tượng trên đã phần nào cho thấy các giải pháp và chính sách của Nhà nước đã phát huy hiệu quả, đồng thời sẽ tiếp tục tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu trong thời gian tới. Đặc biệt lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm, tỷ giá và thị trường ngoại hối dần đi vào quỹ đạo ổn định, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nhận định tốc độ xuất khẩu từ đầu năm đến nay cao hơn tốc độ nhập khẩu (xuất khẩu tăng 35,4%, nhập khẩu tăng 26,9%) đã góp phần cải thiện đáng kể cán cân thương mại. Đặc biệt tốc độ tăng trưởng của các nhóm hàng đều dương và tăng đều. Ông Biên cho biết với đà xuất khẩu của 9 tháng đầu năm nay, trong 3 tháng cuối năm xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp thuận lợi về giá và thị trường. Theo đó cả nước sẽ phấn đấu xuất khẩu mỗi tháng khoảng 8 tỉ USD để nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả năm nay lên mức 94-95 tỉ USD so với mức 71,6 tỉ USD của năm 2010, qua đó góp phần đẩy lùi tình trạng nhập siêu, ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, trái với nhận định đầy lạc quan của ông Biên, nhiều doanh nghiệp cho rằng bên cạnh những mặt thuận lợi trong những tháng đầu năm, xuất khẩu những tháng cuối năm nay và năm tới của Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, gay khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài khó khăn về lãi suất, nguyên liệu, hàng tồn kho gia tăng…. thì việc một số nước đã gia tăng các biện pháp bảo hộ mới đối với hàng hóa nhập khẩu cũng là những mảng tối của bức tranh xuất khẩu năm 2011. Hiện một số ngành hàng chủ lực đang có dấu hiệu sa sút về đơn hàng. Trong đó, các doanh nghiệp ngành may mặc, giày dép, thủy sản… đang bị thiếu đơn hàng do khủng hoảng nợ công tại nhiều nước EU lan rộng. Cụ thể hơn về những khó khăn này, Phó Tổng giám đốc Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) Nguyễn Công Hoàng cho biết mùa cà phê đã đến nhưng thị trường xuất khẩu cà phê sắp tới tốt hay xấu đi hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách tín dụng của ngân hàng. Còn ông Trần Quốc Mạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết dù xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm nay của ngành gỗ đạt 2,84 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận chung của cả ngành vẫn đang thu hẹp dần. Doanh nghiệp hầu như không có lời do giá nguyên liệu đầu vào và các chi phí khác tăng quá nhanh, trong khi hàng hóa bán ra hầu giữ nguyên giá hoặc tăng rất ít. Đại diện cho các doanh nghiệp ngành điều, ông Đặng Hoàng Giang - Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu điều trước áp lực trả nợ ngân hàng buộc phải bán tháo điều với giá rẻ, gây thất thoát lớn. Trước những khó khăn trên, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp cho rằng cần phải có những giải pháp thực tế hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó các Hiệp hội kiến nghị Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước ... cần can thiệp vào tình trạng tỉ giá, lãi suất và giải quyết những khó khăn trong vấn đề vay vốn sản xuất cho doanh nghiệp. Đặc biệt Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản kiến nghị Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho việc nhập nguyên liệu thủy sản chế biến hàng xuất khẩu; giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thủy hải sản (tôm sú, tôm chân trắng, bạch tuộc, tôm biển, mực các loại) về mức 1%, thay vì con số 18-20% như hiện nay. Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết tất cả những vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các Hiệp hội, doanh nghiệp tại Hội nghị lần này sẽ được Bộ tổng hợp theo từng phần việc cụ thể. Trong khả năng và quyền hạn của mình, Bộ Công Thương sẽ xử lý ngay những khó khăn, khúc mắc của doanh nghiệp mà Bộ có thể giải quyết được. Bằng mọi cách Bộ sẽ tích cực đồng hành cùng với các bộ ngành chức năng theo sát diễn biến thị trường cũng như có những biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp để đảm bảo chỉ tiêu kim ngạch trong quý IV, tiến tới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuất khẩu của cả năm 2011 và tạo đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Hồng Hạnh |
0 comments:
Đăng nhận xét