12/12/12

Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam- Hàn Quốc: Nâng tầm chiến lược

Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam- Hàn Quốc: Nâng tầm chiến lược

Từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992 đến nay, Việt Nam và Hàn Quốc đã phát triển mối quan hệ mang tính xây dựng và hướng tới tương lai dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2001 và đã nhất trí nâng cấp mối quan hệ lên “đối tác hợp tác chiến lược” nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Lee Myung-Park vào tháng 10/2009.

 
CôngThương - Phát triển quan hệ thương mại
Với những điều kiện thuận lợi như vậy, quan hệ thương mại và hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có sự tăng trưởng đáng kể trong 2 thập kỷ qua. Thương mại hai chiều đã tăng từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 18 tỷ USD năm 2011, tăng 36 lần trong 19 năm qua. Năm 2011, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 của Hàn Quốc.
Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng nông sản. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, xăng dầu, sắt thép, chất dẻo, hóa chất, phương tiện vận tải...
Một trong những đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp. Hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là nguyên, nhiên vật liệu đầu vào phục vụ đầu tư, sản xuất, trong đó có một phần phục vụ các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2011, nhóm hàng này chiếm trên 70% giá trị nhập khẩu từ Hàn Quốc. So với mặt bằng chung, hàng hóa của Hàn Quốc có chất lượng tốt và công nghệ tiên tiến, giá cả cạnh tranh. Tuy vậy, do chênh lệch về cơ cấu xuất nhập khẩu, Việt Nam đang nhập siêu lớn từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nhờ tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu cao hơn so với nhập khẩu nên tỷ lệ nhập siêu trên xuất khẩu của Việt Nam với Hàn Quốc có xu hướng giảm dần.
Việt Nam - Điểm đến đầu tư
Việt Nam đã nổi lên như một điểm đến quan trọng cho các nhà đầu tư của Hàn Quốc. Tính đến ngày 20/10/2012, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ hai tại Việt Nam với 3.134 dự án, vốn đầu tư đăng ký lên tới hơn 24,5 tỷ USD, vốn thực hiện đạt trên 8,4 tỷ USD. Hoạt động đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam diễn ra ở 18 chuyên ngành, tập trung nhiều nhất ở các ngành chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản. Số vốn đầu tư trong hai ngành này chiếm 16,9 tỷ USD, tương đương 75,8% tổng số vốn đầu tư FDI của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Hơn 2.500 công ty Hàn Quốc tại Việt Nam, thuê khoảng 400.000 lao động với các cơ sở sản xuất quy mô lớn như thiết bị điện tử và thép.
Cùng hội nhập hệ thống kinh tế đa phương
Việt Nam đã tích cực hội nhập vào hệ thống kinh tế đa phương, như việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tham gia các thỏa thuận kinh tế khu vực (ASEAN và ASEAN+...). Những động thái đó đã đem lại môi trường kinh doanh thân thiện và cởi mở hơn cho các công ty nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đầu tư  Hàn Quốc nói riêng. Do đó, ngày càng có nhiều công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam trong các năm gần đây.
Tương tự như quan hệ chính trị, ngoại giao, trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, ngoài quan hệ song phương, Việt Nam và Hàn Quốc còn tích cực hợp tác trong khuôn khổ đa phương như ASEAN- Hàn Quốc, ASEAN+3, ASEAN+6, các diễn đàn APEC, WTO... Đặc biệt, năm 2007, Việt Nam và các nước ASEAN khác đã ký một hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc (được gọi tắt là Hiệp định AKFTA), trong đó Hiệp định Thương mại hàng hóa có hiệu lực từ tháng 6/2007, Hiệp định Thương mại dịch vụ có hiệu lực từ tháng 5/2009, và Hiệp định Đầu tư có hiệu lực từ tháng 9/2009. Với việc tham gia ký kết này, từ năm 2007 trao đổi thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh, trung bình 26,1%/năm, đưa tổng kim ngạch hai chiều năm 2010 tăng gấp 3 lần so với năm 2006, thời điểm trước khi Hiệp định AKFTA có hiệu lực.
Đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt- Hàn
Thực hiện mong muốn tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư song phương, đồng thời nâng cao hiệu quả của khuôn khổ pháp lý, hiệu quả thực thi chính sách thương mại, cải thiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của hai nền kinh tế, được sự đồng ý của Chính phủ hai nước, ngày 6/8/2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng phụ trách Thương mại, Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc Bark Tae Ho đã cùng tuyên bố chính thức khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc để thực hiện cam kết của Lãnh đạo cấp cao hai nước.
Sự kiện này là dấu mốc đầu tiên của quá trình đàm phán một hiệp định thương mại tự do song phương giữa hai nước, góp phần thiết thực kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Hiệp định được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, công nghiệp và đầu tư giữa hai nước.
Có thể nói trong 2 thập kỷ  qua, quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã phát triển toàn diện và sâu sắc trong tất cả các lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học, giáo dục, ở cả cấp độ song phương, khu vực và thế giới. Trong tương lai, với những nền tảng vững chắc đã và đang được xây dựng, quan hệ giữa hai nước sẽ còn tiếp tục được củng cố và phát triển hơn nữa, góp phần cụ thể hóa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam- Hàn Quốc đã được Lãnh đạo cấp cao hai nước thiết lập vào tháng 10/2009.
Hàn Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam về xuất khẩu lao động. Tính đến năm 2011 đã có khoảng 60.000 người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc là một lĩnh vực quan trọng, hiệu quả trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước và là điểm sáng trong quan hệ hợp tác lao động của Việt Nam với các nước.

0 comments:

Đăng nhận xét

Xúc tiến thương mại

Tin kinh tế

Hãng tàu container

Giao nhận vận tải quốc tế

 
Designed by Mạc Hữu Toàn. Email: toantidviko@gmail.com