3/11/11

Vận đơn đường biển (B/L: Bill of Lading)


             
1.    Khái niệm, chức năng của vận đơn đường biển
-       Vận đơn đường biển (Bill of lading/Ocean Bill of Lading/ Master Bill of Lading) là một chứng từ chứng minh cho một hợp đồng vận tải đường biển, cho việc nhận hàng hoặc xếp hàng của người chuyên chở và bằng vận đơn này, người chuyên chở cam kết sẽ giao hàng khi xuất trình nó.
-       Từ khái niệm trên, ta thấy người cấp vận đơn là người chuyên chở, chủ tàu hoặc người được họ ủy quyền, khi hàng hóa đã được xếp lên tàu hoặc khi nhận hàng để xếp.
-       Khi cấp vận đơn, người chuyên chở, chủ tàu hoặc đại diện của họ phải ký vào vận đơn và ghi rõ tư cách pháp lý. Trong thực tế, vận đơn thường do người chuyên chở, chủ tàu, thuyền trưởng hoặc đại lý của người chuyên chở, chủ tàu hay thuyền trưởng ký.
-       Để thanh toán được tiền hàng theo phương thức tín dụng chứng từ (L/C), bất cứ ai ký vận đơn đều phải ghi rõ tên công ty, tên,  họ của mình, tư cách pháp lý của người ký:

VD:
Signed by….as the carrier (Do…….ký là người chuyên chở)
Signed by Mr………..as the Master ( Do ông………..ký là thuyền trưởng)
Signed by Vietfracht as Agent for the Carrier (Ký bở Vietfracht là đại lý chuyên chở)
Signed by Mr….on behalf of Mr….as the Master (Do ông….ký thay mặt ônển nhiên của …là thuyền trưởng)
-       Vận đơn đường biển được phát hành theo các bản gốc (Original) và bản sao (Copy). Các bản gốc được phát hành theo bộ. Một bộ có thể gồm một bản gốc duy nhất hay 2, 3 giống nhau. Khi thanh toán tiền hàng theo phương thức tín dụng chứng từ, người bán phải xuất trình trọn bộ (Full set) vận đơn gố mới được thanh toán tiền hàng. Bộ vận đơn gốc  được chuyển qua hệ thống ngân hàng đến cho người nhận hàng để đi nhận hàng.
-       Muốn nhận được hàng, người nhận hàng phải xuất trình một bản vận đơn gốc cho người chuyên chở. Khi một bản vận đơn gốc đã xuất trình để nhận hàng thì các bản gốc khác sẽ không còn giá trị. Các bản sao được cấp theo yêu cầu của người gửi hàng. Trên bản sao thường ghi “Copy Non – Negotiable”.

Vận đơn đường biển có 3 chức năng quan trọng sau:
+ Là biên lai nhận hàng để chở của người chuyên chở. Vận đơn là bằng chứng hiển nhiên của việc người chuyên chở đã nhận hàng để chở. Vận đơn chứng minh cho số lượng, khối lượng, tình trạng bên ngoài của hàng hóa đã được giao. Tại cảng đến, người chuyên chở cũng phải giao cho người nhận theo đúng trọng lượng, khối lượng, tình trạng bên ngoài của hàng hóa như lúc nhận ở cảng đi, khi người nhận xuất trình vận đơn phù hợp
+ Là chứng từ sở hữu (Document of Title) những hàng hóa mô tả trên vận đơn. Ai có vận đơn trong tay, người đó có quyền đòi sở hữu hàng hóa ghi trên đó. Do có tính chất sở hữu nên vận đơn là một chứng từ lưu thông được (Negotiable Document). Người ta có thể mua bán, chuyển nhượng hàng hóa ghi trên vận đơn bằng cách mua bán, chuyển nhượng vận đơn.
+ Là bằng chứng của hợp đồng vận tải (Contract of Carriage) đã được ký kết giữa các bên. Mặc dù bản thân vận đơn đường biển không phải là hợp đồng vận tải, vì nó chỉ có chữ ký của một bên nhưng vận đơn có giá trị như một hợp đồng vận tải đường biển. Nó không những điều chỉnh mối quan hệ giữa người gửi hàng với người chuyên chở, mà còn điều chỉnh mối quan hệ giữ người chuyên chở và người nhận hàng hoặc người cầm vận dơn. Nội dung của vận đơn không chỉ được thể hiện bằng những điều khoản trên đó, mà bị chi phối bởi các Công ước Quốc tế về vận đơn và vận đơn đường biển.

2.    Phân loại vận đơn đường biển.

2.1.        Căn cứ vào việc đã xếp hàng hay chưa, có hai loại:
a.    Vận đơn đã xếp hàng (Shipped on Board B/L) là vận đơn do người chuyên chở hoặc đại diện người chuyên chở cấp khi hàng hóa đã thực tế xếp lên tàu. Đây là loại vận đơn được dùng phổ biến vì người mua khi yêu cầu xuất trình bộ chứng từ để thanh toán tiền hàng thường yêu cầu xuất trình vận đơn đã xếp hàng, tức là hàng hóa đã thực sự được xếp lên tàu. Việc đã xếp hàng lên tàu (On board) được thể hiện trên vận đơn như sau:
+ Nếu trên vận đơn (ở góc dưới bên phải) có chữ in sẵn “nhận để xếp” (Received for Shipment hoặc Taken in charge) thì khi Thuyền trưởng ký vận đơn, phải ghi thêm chữ “đã xếp hàng lên tàu ngày, tháng, năm” để chứng minh cho việc đã xếp hàng, thể hiện bằng tiếng Anh là “Laden on Board 5 Octorber 1997” hoặc “Shipped on Board 5 Octorber 1997” và ngày đó là ngày giao hàng.
+ Nếu trên vận đơn đã  ghi sẵn chữ “ Shipped on Board” thì không cần phải ghi gì thêm để chứng minh cho việc đã xếp, mà ngày ký vận đơn chính là ngày xếp hàng lên tàu, cũng là ngày giao hàng.
b.    Vận đơn nhận để xếp ( Received for Shipment B/L) là vận đơn do người chuyên chở cấp, khi người chuyên chở nhận hàng (ở kho hoặc ở bãi) để xếp lên con tàu ghi trên B/L, tức là hàng hóa thực tế chưa được xếp lên tàu. Loại vận đơn nay có thể bị Ngân hàng từ chối thanh toán, trù phi thư tín dụng (L/C) quy định cho phép. Khi hàng đã thực tế được xếp lên tàu, có thể đóng dấu, hoặc ghi thêm chữ “đã xếp” để biến thành vận đơn đã xếp hàng, vận đơn nhận để xếp cũng có thể thanh toán được nếu hợp đồng mua bán và L/C quy định rõ về vấn đề này.
2.2.        Căn cứ vào khả năng lưu thông, có ba loại:
a.    Vận đơn theo lệnh (Order B/L):
-       Là vận đơn trên đó không ghi rõ tên, địa chỉ của người nhận hàng mà ghi chữ “theo lệnh” (to Order) hoặc có ghi tên người nhận hàng đồng thời ghi têm chữ “hoặc theo lệnh” (or Order). Trên vận đơn theo lệnh có thể ghi rõ theo lệnh của người gửi hàng, của người nhận hàng, của ngân hàng. Nếu không ghi rõ theo lệnh của ai thì hiểu là theo lệnh của người gửi hàng.
-       Vận đơn theo lệnh có đặc điểm là có thể chuyển nhượng được cho người khác bằng cách ký hậu (Endorsement). Nếu là vận đơn theo lệnh của người gửi hàng, thì người gửi hàng phải ký hậu, người nhận hàng mới nhận được hàng. Có thể ký hậu để trống hay ký hậu cho một người cụ thể hoặc theo lệnh của một người nào đó. Nếu không ký hậu, chỉ người gửi hàng mới nhận được hàng. Vận đơn ký phát theo lệnh của một ngân hàng mới nhận được hàng. Vận đơn ký phát theo lệnh của một ngân hàng trong trường hợp ngân hàng muốn khống chế hàng hóa của một người nhập khẩu (người nhập khẩu vay tiền của ngân hàng để mua hàng). Để nhận được hàng, phải có ký hậu chuyển nhượng của ngân hàng vào vận đơn.
-       Vận đơn theo lệnh được sử dụng rộng rãi trong buôn bán quốc tế bởi vì nó là một chứng từ có thể lưu thông được
b.    Vận đơn đích danh (Straight B/L):
-       Là vận đơn mà trên đó ghi rõ tên, địa chỉ của người nhận hàng mà không có hoặc đã bị xóa chữ “or Order). Chỉ người có tên ghi trên vận đơn mới nhận hàng. Chỉ người có tên ghi trên vận đơn mới nhận được hàng. Loại vận đơn này không thể chuyển nhượng được bằng cách ký hậu
c.    Vận đơn cho người cầm (B/L to Beared): Là vận đơn trong đó:
-       Có ghi rõ chữ “Cho người cầm” (To Beared) hoặc
-       Phát hành theo lệnh nhưng không ghi tên người nhận hay người hưởng lợi nào
-       Phát hành theo lệnh cho một người hưởng lợi và người đã ký hậu mà để trống mà không chỉ định một người hưởng lợi khác
Loại vận đơn này có nhiều rủi ro đối với người gửi hàng, vì bất cứ người nào có vận đơn trong tay đều có thể nhận được hàng.
2.3.        Căn cứ vào nhận xét, ghi chú trên vận đơn, có 2 loại:
a.    Vận đơn sạch (hoàn hảo (Clean B/L):
-       Vận đơn hoàn hảo là vận đơn mà trên đó không những điều khoản nói một cách rõ ràng rằng hàng hóa hoặc bao bì có khuyết điểm. Hay nói một cách khác, trên vận đơn không có những ghi chú, nhận xét xấu hoặc những bảo lưu về tình trạng bên ngoài của hàng hóa
-       Những điều ghi chung chung như “người gửi hàng xếp và đếm, niêm phong và kẹp chì”, không biết về số lượng, phẩm chất, nội dung bên trong”, “bao bì dùng lại, thùng cũ”,.. không làm mất tính hoàn hảo của vận đơn. Một vận đơn mà người chuyên chở hay đại diện của họ không ghi chú gì thì cũng coi là vận đơn hoàn hảo.
-       Lấy được vận đơn hoàn hảo có ý nghĩa quan trọng trong thương mại quốc tế. Người mua cũng như ngân hàng đều yêu cầu phải có vận đơn hoàn hảo, vì vận đơn hoàn hảo là bằng chứng hiển nhiên (Prima Facie Evidence) của việc xếp hàng tốt.
-       Muốn lấy được vận đơn hoàn hỏa thì khi xếp hàng lên tàu phải đảm bảo hàng không bị hư hỏng, đổ vỡ, bao bì không rách, không bị ướt và trông bên ngoài rất tốt, nghĩa là phải có một biên lai thuyền phó (Mate’s Receipt) sạch. Trong trường hợp, Biên lại Thuyền phó không sạch, người gửi hàng có thể xuất trình Thư bảo đảm (Letter of Indemnity) cam kết chịu mọi hậu quả xảy ra, đều yêu cầu Thuyền trưởng cấp vận đơn hoàn hảo. Tuy nhiên, Thư đảm bảo đó không có giá trị pháp lý, không được các tòa án thừa nhận nên các thuyền trưởng khôn ngoan thường không chấp nhận
b.    Vận đơn không hoàn hảo (Unclean B/L – Faul B/L – Claused B/L):
-       Ngược với vận đơn hoàn hảo, vận đơn không hoàn hảo là vận đơn trên đó có những ghi chú, nhận xét xấu hoặc những bảo lưu về hàng hóa và bao bì. Ví dụ, vận đơn bị thuyền trưởng ghi chú: ký mã hiệu không rõ, một số bao bì bị rách, thùng chảy, nhiều hòm tông bị ướt….Vận đơn không hoàn hảo không được ngân hàng chấp nhận để thanh toán tiền hàng.
2.4 Căn cứ vào hành trình vận chuyển, có 3 loại
a. Vận đơn đi thẳng (Direct B/L) là vận đơn được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được chuyên chở từ cảng xếp hàng đến cảng dỡ hàng bằng một tàu, tức hàng hóa không phải chuyển tải ở cảng dọc đường
b. Vận đơn đi suốt (Through B/L): là vận đơn được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển từ cảng xếp hàng đến cảng dỡ hàng cuối cùng bằng hai hay nhiều tàu của hai hay nhiều người chuyên chở, tức là hàng hóa phải chuyển tải ở cảng dọc đường. Vận đơn đi suốt có các đặc điểm sau:
+ Có điều khoản cho phép chuyển tải ;
+ Có ghi rõ cảng đi, cảng đến, cảng (có thể cả tên tàu, chuyển tàu, ..)
+ Người cấp vận đơn đi suốt phải chịu trách nhiệm về hàng hóa trong suốt quá trình đường biển từ cảng biển đi cho đến cảng dích, kể cả trên chặng đường do người chuyên chở khác thực hiện
c. Vận đơn (chứng từ) đa phương thức (vận tải liên hiệp):
- vận đơn vận tải đa phương thức (Multimodal Transport B/L) là vận đơn được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được chuyên chờ từ nơi đi đến nơi đến bằng hai hay nhiều phương thức vận tải khác nhau. Loại vận đơn này có nhiều tên gọi khác nhau như : Combined Transport B/L, B/L for combined transport shipment or Port to Multimodal Transport Document. Vận đơn này có đặc điểm:
+ Trên vận đơn thường ghi rõ nơi nhận hàng để chở và nơi giao hàng, người cấp B/L này phải là người chuyên chở hoặc MTO
+ Ghi rõ việc được phép chuyển tải, các phương thức vận tải tahm gia và nơi chuyển tải
+ Người cấp vận đơn này phải chịu trách nhiệm về hàng hóa từ nơi nhận hàng để chở (có thể nằm sâu trong nội địa) đến nơi giao hàng (có thể nằm sau trong nội địa của nước đến)

3.    Nội dung của vận đơn đường biển
Theo Quy Tắc Hamburg, vận đơn đường biển, ngoài các chi tiết khác phải có các chi tiết sau đây:
+ Tính chất chung của hàng hóa, những mã hiệu chính để nhận dạng hàng hóa, tính chất nguy hiểm của hàng hóa (nếu có), số lượng, trọng lượng của hàng hóa, các chi tiết khác do người gửi hàng cung cấp
+ Tình trạng bên ngoài của hàng hóa
+ Tên và trụ sở kinh doanh chính của người chuyên chở
+ Tên người gửi hàng
+ Tên người nhận hàng nếu do người gửi hàng chỉ định
+ Cảng xếp hàng theo hợp đồng vận tải đường biển và ngày mà người chuyên chở nhận hàng để chở
+ Cảng dỡ hàng
+ Số lượng bản vận đơn gốc
+ Nơi phát hàng vận đơn
+ Chữ ký của người chuyên chở hoặc người thay mặt người chuyên chở
+ Khoản cước do người nhận trả
+ Điều nói về việc áp dụng Công ước
+ Điều nói về việc hàng sẽ hoặc có thể chở trên boong
+ Ngày hoặc thời hạn giao hàng tại cảng dỡ, nếu có thỏa thuận giữa các bên
+ Thỏa thuận tăng thêm giới hạn trách nhiệm (nếu có)
-       Về mặt hình thức, vận đơn của các hãng tàu thường một khuôn mẫu giống nhau. Các vận đơn đều gồm hai mặt. Mặt trước được chia từng ô và có các chi tiết, theo thứ tự từ trên xuống dưới là tên hãng tàu, người gửi hàng, người nhận hàng, bên thông báo, tên tàu, cảng xếp, cảng dỡ, số vận đơn, số phiếu lưu cước tham chiếu xuất khẩu, đại lý giao nhận, nơi xuất xứ của hàng hóa, những chi tiết do người gửi hàng cung cấp (tên hàng, ký mã hiệu, trọng lượng, số lượng, thể tích, số container…), cước phí, phụ phí, cước trả trước hay sau, số lượng bản gốc, ngày phát hành vận đơn, ngày xếp hàng hay ngày nhập hàng, chữ ký.. Mặt sau của vận đơn in sẵn các điều kiện, điều khoản chuyên chở (Terms and Condition of Carriage) như: các định nghĩa, các điều khoản tối cao, cước phí và phụ phí, trách nhiệm của người chuyên chở, đi thuê lại, thông báo tổn thất, và thời hạn khiếu nại, giao hàng, kiểm tra hàng hóa, container do người gửi hàng đóng, hàng dễ vỡ, hàng nguy hiểm, cầm giữ hàng, tổn thất chung, giải quyết tranh chấp, điều khoản hai tàu đâm va nhau cùng có lỗi, điều khoản New Jason…






0 comments:

Đăng nhận xét

Xúc tiến thương mại

Tin kinh tế

Hãng tàu container

Giao nhận vận tải quốc tế

 
Designed by Mạc Hữu Toàn. Email: toantidviko@gmail.com