17/11/11

QUI TẮC XUẤT XỨ TRONG LUẬT HẢI QUAN NGA

 – Chương 6. NƯỚC XUẤT XỨ HÀNG HÓA. DANH MỤC HÀNG HÓA NGOẠI THƯƠNG
 Posted on 17/06/2010 by Civillawinfor

BỘ LUẬT HẢI QUAN LB NGA



Hạ Nghị Viện thông qua   
           Ngày 25 tháng 04 năm 2003

Thượng nghị viện chuẩn y   
Ngày 14 tháng 05 năm 2003


I. Nước xuất xứ hàng hóa

Điều 29. Lĩnh vực áp dụng chương này

1. Việc xác định nước xuất xứ hàng hóa được thực hiện theo các quy tắc của chương này trong tất cả các trường hợp khi việc áp dụng các biện pháp điều tiết thuế quan, lệnh cấm và hạn chế được quy định theo luật pháp của LB Nga về điều tiết nhà nước ngoại thương, phụ thuộc vào nước xuất xứ hàng hóa.

2. Các quy tắc xác định nước xuất xứ hàng hóa được quy định nhằm mục đích áp dụng ưu đãi thuế quan hay các biện pháp không ưu đãi của chính sách thương mại.

Điều 30. Xác định nước xuất xứ hàng hóa

1. Nước xuất xứ hàng hóa được coi là nước mà ở đó hàng hóa được sản xuất toàn bộ (điều 31) hoặc đã được chế biến đủ mức (điều 32) phù hợp với các tiêu chí do Bộ luật này quy định hoặc theo thể thức do Bộ luật này xác định. Đồng thời, nước xuất xứ còn có thể là một nhóm nước hay là liên minh hải quan của các nước hay là một vùng hoặc một phần lãnh thổ của một nước nếu có sự cần thiết phải tách riêng chúng ra để xác định nước xuất xứ hàng hóa.

2. Theo nhu cầu của Người kê khai hải quan hoặc của người có liên quan khác, các cơ quan hải quan xác nhận trước xuất xứ hàng hóa phù hợp với điều mục III của chương này.

Điều 31. Hàng hóa được sản xuất toàn bộ tại một nước


Những hàng hóa sau được coi là được sản xuất tại một nước:


1) các khoáng sản được khai thác từ lòng đất, trong vùng hải phận hoặc trên đáy biển của nước đó;

2) sản phẩm thực vật được trồng hoặc thu hoạch tại nước đó;

3) động vật được sinh ra và nuôi dưỡng tại nước đó;

4) sản phẩm thu được tại nước đó từ động vật được nuôi dưỡng ở nước đó;

5) sản phẩm thu được do săn bắn và đánh cá tại nước đó;

6) sản phẩm đánh bắt cá trên biển và sản phẩm khác của nghề đi biển do tầu của nước đó thu được;

7) sản phẩm thu được trên khoang tầu chế biến của nước đó tuyệt đối từ các sản phẩm ghi trong mục 6 của điều này;

 sản phẩm thu được từ đáy biển hoặc dưới đáy biển ở ngoài hải phận của nước đó, với điều kiện nước đó có đặc quyền khai thác đáy biển hoặc dưới đáy biển đó;

9) phế liệu và vật liệu vụn (nguyên liệu tái chế), thu được trong quá trình sản xuất hoặc chế biến tại nước đó, cũng như là sản phẩm đã qua sử dụng được lắp ráp tại nước đó và chỉ còn thích dụng để chế biến thành nguyên liệu;

10) sản phẩm công nghệ cao thu được trên các vật thể vũ trụ nằm trong không gian vũ trụ, nếu nước đó là nước đăng ký vật thể vũ trụ đó;

11) hàng hóa được sản xuất tại nước đó hoàn toàn từ các sản phẩm nêu trong các tiểu mục 1-10 của điều này.

Điều 32. Các tiêu chí chế biến đủ mức


1. Nếu có hai hoặc nhiều nước cùng tham gia sản xuất hàng hóa, thì nước xuất xứ được coi là nước thực hiện công đoạn cuối cùng của quá trình chế biến hoặc chế tạo hàng hóa đó, đáp ứng các tiêu chí chế biến đủ mức phù hợp với quy định của điều này.

2. Đối với những hàng hóa và những nước mà việc xác định nước xuất xứ hàng hóa nhập khẩu vào LB Nga không thuộc diện quy định đặc biệt trong mục 4 của điều này thì sẽ áp dụng quy tắc chung: hàng được coi là có xuất xứ từ một nước, nếu sau khi chế biến hoặc chế tạo tại đó có sự thay đổi của bất kể số nào trong bốn số đầu tiên của mã số hàng hóa của hàng theo Bản danh mục hàng hóa ngoại thương.

3. Không phụ thuộc vào quy định trong mục 2 của điều này, những công việc sau không đáp ứng các tiêu chí chế biến đủ mức:

1) các công việc bảo quản hàng giữ trong kho và trong quá trình vận chuyển;

2) các công việc chuẩn bị hàng để bán và vận chuyển (chia lô, lập lô hàng gửi, phân loại, thay đổi bao bì đóng gói);

3) các công việc lắp ráp đơn giản và các công việc khác không làm thay đổi trạng thái hàng hóa, theo danh mục do Chính phủ LB Nga xác định;

4) việc trộn hàng có xuất xứ từ nhiều nước nếu tính chất của sản phẩm cuối cùng không thay đổi căn bản so với tính chất của những hàng được trộn.

4. Nhằm xác định nước xuất xứ hàng hóa, theo thể thức do Chính phủ LB Nga quy định, các tiêu chí chế biến đủ mức sau cũng được sử dụng:

1) việc thực hiện các công đoạn sản xuất hoặc công nghệ tại nước đó đủ đến mức có thể coi nước đó là nước xuất xứ của hàng hóa;

2) thay đổi trị giá hàng hóa, khi mà tỷ lệ phần trăm của trị giá của vật liệu đã sử dụng hoặc của trị giá gia tăng đạt được tỷ lệ đã quy định trong giá của sản phẩm cuối cùng (quy tắc tỷ lệ phần trăm của giá trị).

5. Khi xác định thể thức áp dụng các tiêu chí chế biến đủ mức đối với những hàng hóa nhập khẩu từ những nước mà LB Nga dành cho hưởng chế độ ưu đãi thuế quan, để áp dụng chế độ ưu đãi thuế quan Chính phủ LB Nga có quyền xác định điều kiện áp dụng quy tắc mua trực tiếp và giao hàng thẳng.

Điều 33. Các quy định đặc biệt về xác định nước xuất xứ hàng hóa


1. Hàng hóa ở dạng tháo rời hoặc chưa lắp ráp hoàn chỉnh và được giao thành nhiều chuyến vì nguyên nhân kỹ thuật của khâu sản xuất hoặc vận chuyển, cũng như là những lô hàng hóa bị phân giao nhiều chuyến do nhầm lẫn, theo nguyện vọng của người khai hải quan, phải được coi là hàng nguyên vẹn khi xác định nước xuất xứ hàng hóa.

2. Các điều kiện để áp dụng mục 1 của Điều này là:

1) có thông báo trước cho cơ quan hải quan về những hàng ở dạng tháo rời hoặc chưa lắp ráp hoàn chỉnh được giao thành nhiều chuyến, nêu rõ nguyên nhân phải giao nhiều chuyến, xuất trình Giấy gửi hàng của từng lô hàng có ghi mã số hàng theo Bản danh mục hàng hóa ngoại thương, trị giá và nước xuất xứ của hàng hóa trong từng lô hàng giao, hoặc xuất trình các chứng từ chứng minh sự nhầm lẫn chia hàng ra thành nhiều lô;

2) tất cả các lô hàng do một người giao từ một nước;

3) kê khai hải quan về tất cả các lô hàng giao tại một cơ quan hải quan;

4) tất cả các lô hàng chia nhỏ phải được nhập khẩu vào LB Nga trong thời hạn không quá một năm kể từ ngày cơ quan hải quan nhận tờ khai hải quan hoặc không quá thời hạn quy định nộp tờ khai hải quan đối với lô hàng giao đầu tiên. Theo đơn yêu cầu có lý do chính đáng của người khai hải quan, cơ quan hải quan có thể gia hạn thời gian giao hàng đủ để giao hết các lô hàng.

3. Những phụ kiện, phụ tùng và dụng cụ đồ nghề đi kèm theo máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải được coi có cùng xuất xứ với các máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải, với điều kiện là những phụ kiện, phụ tùng và dụng cụ đồ nghề đó được nhập khẩu và sử dụng đồng thời với các máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải, theo danh mục và số lượng thường được giao kèm với những thiết bị này.

4. Bao bì của hàng nhập khẩu vào LB Nga được coi là có cùng xuất xứ của hàng nhập khẩu trừ các trường hợp bao bì thuộc diện khai hải quan tách biệt với hàng. Trong những trường hợp này, nước xuất xứ của bao bì sẽ được xác định tách biệt với nước xuất xứ của hàng hóa.

Điều 34. Xác nhận nước xuất xứ hàng hóa

1. Để chứng thực xuất xứ hàng hóa từ một nước, cơ quan hải quan có quyền yêu cầu xuất trình các chứng từ xác nhận xuất xứ hàng hóa đối với những trường hợp quy định trong Điều 37 của Bộ luật này.

2. Các chứng từ xác nhận xuất xứ hàng hóa là tờ khai xuất xứ hàng hóa (Điều 35) hoặc là Giấy chứng nhận xuất xứ (Điều 36) trong những trường hợp do Chính phủ LB Nga quy định.

Điều 35. Tờ khai xuất xứ hàng hóa

1. Chứng từ chứng thực xuất xứ hàng hóa chiểu theo Bộ luật này có thể là Tờ khai xuất xứ hàng hóa được lập theo dạng tự do với điều kiện là phải có đủ dữ liệu để xác định được nước xuất xứ hàng hóa. Tờ khai xuất xứ hàng hóa cũng có thể là chứng từ thương mại hoặc các chứng từ khác có liên quan đến hàng hóa và trong đó có ghi tuyên bố của ngưòi chế tạo, người bán hoặc người xuất khẩu về nước xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu hàng hóa.

2. Nếu dữ liệu về nước xuất xứ hàng hóa trong tờ khai xuất xứ hàng hóa được dựa trên cơ sở các tiêu chí khác với những tiêu chí xuất xứ hàng hóa của LB Nga (Điều 31 và Điều 32), thì nước xuất xứ hàng hóa được xác định theo những tiêu chí được áp dụng tại LB Nga.

Điều 36. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

1. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa – là chứng từ chỉ để chứng thực nước xuất xứ hàng hóa và được cấp bởi các cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước đó hoặc của nước xuất khẩu nếu tại nước xuất khẩu Giấy chứng nhận được cấp trên cơ sở các dữ liệu nhận được từ nước xuất xứ hàng hóa.

Nếu dữ liệu trong Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được dựa trên cơ sở các tiêu chí khác với những tiêu chí xuất xứ hàng hóa của LB Nga (Điều 31 và Điều 32), thì nước xuất xứ hàng hóa được xác định theo những tiêu chí được áp dụng tại LB Nga.

2. Khi xuất khẩu hàng hóa từ LB Nga thì Giấy chứng nhận xuất xứ được cấp bởi các cơ quan hoặc tổ chức do Chính phủ LB Nga ủy quyền, nếu giấy chứng nhận đó là cần thiết theo điều kiện hợp đồng, theo quy tắc của nước nhập khẩu hoặc theo quy định của hiệp định quốc tế mà LB Nga có tham gia.

Các cơ quan hoặc tổ chức LB Nga cấp giấy chứng nhận xuất xứ phải lưu trữ bản sao giấy chứng nhận và các chứng từ khác được dùng làm cơ sở chứng thực xuất xứ hàng hóa không ít hơn 2 năm kể từ ngày cấp.

3. Nếu Giấy chứng nhận xuất xứ không hoàn hảo (có sự tẩy xóa, sửa chữa hoặc hiệu đính không đóng dấu xác nhận, thiếu chữ ký hoặc dấu, dữ liệu của Giấy xác nhận không cho phép xác định quan hệ của dữ liệu đó với hàng hóa, trong giấy xác nhận không nêu thẳng ra nước xuất xứ hàng hóa hoặc không nêu rõ các tiêu chí được lấy làm cơ sở để xác định nước xuất xứ hàng hóa nếu những tiêu chí đó bị bắt buộc phải nêu theo quy định của hiệp định quốc tế LB Nga có tham gia hoặc theo luật của LB Nga), hoặc nếu phát hiện dấu hiệu cho thấy dữ liệu trong Giấy chứng nhận là không chuẩn xác, thì cơ quan hải quan có quyền đề nghị các cơ quan hoặc tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ của nước đó xuất trình thêm chứng từ hoặc cung cấp dữ liệu bổ xung.

5. Cơ quan hải quan cũng có quyền đề nghị các cơ quan hoặc tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ của nước đó xuất trình thêm chứng từ hoặc cấp dữ liệu bổ xung nhằm thực hiện việc kiểm tra có lựa chọn. Việc thực hiện sự kiểm tra này không cản trở việc thông quan hàng hóa trên cơ sở những dữ liệu về nước xuất xứ hàng hóa đã được công bố khi làm thủ tục hải quan.

Điều 37. Xuất trình chứng từ xác nhận nước xuất xứ hàng hóa

1. Khi nhập khẩu hàng hóa vào LB Nga, chứng từ xác nhận xuất xứ hàng hóa được xuất trình trong trường hợp LB Nga dành cho nước xuất xứ hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan phù hợp với các hiệp định quốc tế LB Nga có tham gia hoặc theo pháp luật của LB Nga. Trong trường hợp này, chứng từ xác nhận xuất xứ hàng hóa được xuất trình đồng thời khi nộp Tờ khai hải quan. Đồng thời, để được hưởng ưu đãi thuế quan thì có thể phải xuất trình Giấy chứng nhận xuất xứ theo mẫu quy định trong các hiệp định quốc tế LB Nga có tham gia hoặc theo pháp luật LB Nga.

Cơ quan hải quan LB Nga có quyền yêu cầu xuất trình chứng từ xác nhận xuất xứ trong các trường hợp khác chỉ khi phát hiện dấu hiệu cho thấy các dữ liệu đã công bố về nước xuất xứ hàng hóa mà có ảnh hưởng đến việc áp thuế hải quan, tính thuế và (hoặc) thực hiện lệnh cấm và hạn chế đã ban hành chiểu pháp luật của LB Nga về điều tiết nhà nước ngoại thương, là không chuẩn xác.

2. Không phụ thuộc vào những điều quy định trong mục 1 của Điều này, trong các trường hợp sau không đòi hỏi phải xuất trình chứng từ chứng nhận nước xuất xứ hàng hóa:

1) nếu hàng nhập khẩu vào LB Nga được công bố thuộc chế độ quá cảnh hải quan quốc tế hoặc thuộc chế độ tạm nhập tái xuất được miễn trừ thuế quan, thuế, trừ các trường hợp cơ quan hải quan phát hiện thấy có dấu hiệu những hàng hóa đó có xuất xứ từ nước mà hàng hóa của nước đó bị cấm nhập khẩu vào LB Nga hoặc quá cảnh qua lãnh thổ LB Nga theo quy định của các hiệp định quốc tế LB Nga có tham gia hoặc theo pháp luật của LB Nga;

2) nếu tổng trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu vào LB Nga được gửi theo cùng một thời gian theo phương thức giống nhau và do cùng một người giao hàng tới địa chỉ của một người nhận hàng, dưới 20 000 rúp;

3) nếu hàng do thể nhân nhập khẩu vào LB Nga phù hợp với Điều 23 của Bộ luật này;

4) trong các trường hợp khác quy định trong các hiệp định quốc tế LB Nga có tham gia và theo pháp luật LB Nga.

Điều 38. Các điều kiện bổ xung để thông quan hàng hóa khi xác định nước xuất xứ hàng hóa

1. Trong trường hợp không có chứng từ xác nhận nước xuất xứ hàng hóa khi có yêu cầu bắt buộc phải xuất trình để được hưởng ưu đãi thuế quan (Điều 37), thì đối với những hàng hóa đó sẽ phải trả thuế hải quan theo thuế suất áp dụng đối với hàng hóa có xuất xứ từ những nước mà trong quan hệ thương mại chính trị với những nước đó LB Nga dành chế độ tối huệ quốc, trừ trường hợp quy định trong tiểu mục 1 của mục 2 của Điều này.

2. Trong các trường hợp khác, việc không có chứng từ xác nhận nước xuất xứ hàng hóa, hoặc trong trường hợp phát hiện thấy có dấu hiệu chứng từ không hoàn hảo và (hoặc) chứng từ bao gồm các dữ liệu không chuẩn xác, trong khi chờ đợi xuất trình chứng từ hoặc dữ liệu chuẩn xác bổ xung:

1) đối với hàng hóa thì phải nộp thuế hải quan theo thuế suất áp dụng cho hàng hóa có xuất xứ từ những nước không được hưởng chế độ tối huệ quốc nếu cơ quan hải quan phát hiện thấy có dấu hiệu là những hàng hóa đó có xuất xứ từ nước không được hưởng chế độ tối huệ quốc, hoặc phải có sự đảm bảo trả thuế hải quan theo thuế suất đã nêu;

2) việc thông quan hàng hóa được thực hiện với điều kiện là người làm thủ tục hải quan xuất trình được các chứng từ xác nhận việc tuân thủ những hạn chế đã quy định, hoặc đảm bảo việc nộp thuế chống phá giá hoặc thuế chống trợ cấp, nếu cơ quan hải quan phát hiện dấu hiệu cho thấy hàng hóa có xuất xứ từ nước mà nhập khẩu hàng từ nước đó bị hạn chế theo pháp luật của LB Nga về điều tiết nhà nước ngoại thương hoặc theo các hiệp định quốc tế LB Nga có tham gia;

3) việc thông quan hàng hóa không được thực hiện chỉ trong các trường hợp cơ quan hải quan phát hiện có dấu hiệu cho thấy nước xuất xứ hàng hóa có thể là nước mà hàng hóa từ đó bị cấm nhập khẩu vào LB Nga theo quy định của các hiệp định quốc tế LB Nga có tham gia và (hoặc) của pháp luật LB Nga.

3. Đối với những hàng hóa nêu trong mục 1 và tiểu mục 1 của mục 2 của Điều này, chế độ ưu đãi hoặc chế độ tối huệ quốc sẽ được áp dụng (khôi phục) với điều kiện xác nhận được nước xuất xứ của những hàng hóa này trong vòng 01 năm kể từ ngày cơ quan hải quan nhận Tờ khai hải quan. Trong trường hợp này, việc hoàn thuế quan, thuế đã trả được thực hiện theo quy định của Điều 356 của Bộ luật này.

III. Xác nhận trước


Điều 41. Việc ra quyết định xác nhận trước


1. Cơ quan chính quyền liên bang được ủy quyền trong lĩnh vực công tác hải quan, và các cơ quan hải quan khác do cơ quan chính quyền cấp liên bang được ủy quyền trong lĩnh vực công tác hải quan chỉ định, theo nhu cầu của người có liên quan sẽ ra quyết định xác nhận trước về mã số hàng hóa phù hợp với Bản danh mục hàng hóa ngoại thương đối với từng hàng hóa cụ thể, về xuất xứ của hàng hóa từ nước cụ thể (nước xuất xứ hàng hóa).

2. Hình thức và thể thức ra quyết định xác nhận trước sẽ do Cơ quan chính quyền liên bang được ủy quyền trong lĩnh vực công tác hải quan quy định.

Điều 42. Đơn xin ra quyết định xác nhận trước

1. Người có nhu cầu xin ra quyết định xác nhận trước gửi đơn cho cơ quan hải quan tương ứng đề nghị ra quyết định xác nhận trước.

Đơn này phải bao hàm tất cả các dữ kiện cần thiết cho việc xác nhận trước. Kèm theo đơn phải gửi theo mẫu thử và hàng mẫu của hàng hóa, mô tả về hàng hóa, ảnh chụp, hình vẽ, bản vẽ, tài liệu thương mại, kỹ thuật và các tài liệu khác của hàng hóa.

2. Nếu dữ liệu do người làm đơn cung cấp không đủ để xác nhận trước, thì cơ quan hải quan trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn sẽ thông báo cho người làm đơn biết về sự cần thiết phải cung cấp thêm thông tin bổ xung và xác định thời hạn xuất trình những thông tin đó. Trong trường hợp không cung cấp thông tin bổ xung trong thời hạn quy định thì đơn xin xác nhận trước sẽ bị chối từ.

Việc chối từ đơn xin xác nhận trước không ngăn cản việc người làm đơn gửi đơn thêm lần nữa với điều kiện là người làm đơn phải khắc phục được các thiếu sót là nguyên nhân từ chối đơn gửi lần trước.

Điều 43. Ý nghĩa pháp lý và thời hạn hiệu lực của xác nhận trước

Xác nhận trước mang tính bắt buộc phải thực hiện đối với tất cả các cơ quan hải quan. Xác nhận trước có hiệu lực trong vòng 05 năm kể từ ngày ký, nếu xác nhận trước đó không bị thay đổi hoặc không bị thu hồi hoặc bị hủy bỏ theo Điều 44 của Bộ luật này.

Điều 44. Việc hủy bỏ, thay đổi hoặc thu hồi xác nhận trước

1. Các cơ quan hải quan có thể ra quyết định về việc hủy bỏ, thay đổi hoặc thu hồi xác nhận trước do các cơ quan đó hoặc các cơ quan hải quan cấp dưới ban hành (thay đổi hoặc thu hồi xác nhận trước do các cơ quan đó hoặc các cơ quan hải quan cấp dưới ban hành), chỉ trong các trường hợp quy định tại Điều này.

Quyết định về việc hủy bỏ, thay đổi hoặc thu hồi xác nhận trước sẽ được gửi bằng văn bản cho người được cấp xác nhận trước không chậm hơn 01 ngày sau ngày ra quyết định về việc hủy bỏ, thay đổi hoặc thu hồi xác nhận trước.

2. Quyết định về việc hủy bỏ xác nhận trước sẽ được ban hành trong trường hợp xác nhận trước đó được thực hiện dựa trên cơ sở các chứng từ giả mạo do người làm đơn xuất trình. Quyết định về việc hủy bỏ xác nhận trước có hiệu lực tính từ ngày ký xác nhận trước.

3. Việc thay đổi xác nhận trước về mã số hàng hóa sẽ được thực hiện trong trường hợp Cơ quan chính quyền liên bang được ủy quyền trong lĩnh vực công tác hải quan ra quyết định mang tính chất bắt buộc các cơ quan hải quan phải thực hiện về định mã số cho hàng hóa cụ thể, cũng như là trong các trường hợp phát hiện ra sự nhầm lẫn khi thực hiện việc xác nhận trước.

Sự thay đổi có hiệu lực trong thời hạn nêu trong quyết định về thay đổi quyết định trước, nhưng không sớm hơn 03 tháng kể từ ngày ra quyết định về việc thay đổi xác nhận trước.

4. Xác nhận trước đã ban hành có thể bị thu hồi:

trong trường hợp thay đổi Bản danh mục hàng hóa ngoại thương, trong trường hợp Tổ chức hải quan quốc tế ra quyết định về mã số hàng hóa mang tính ràng buộc phải áp dụng tại LB Nga;

trong trường hợp nếu trong các hiệp định quốc tế LB Nga có tham gia hoặc trong pháp luật LB Nga liên quan đến việc xác định nước xuất xứ hàng hóa, có quy định khác về các yêu cầu và điều kiện xác định nước xuất xứ hàng hóa.

Quyết định về việc thu hồi xác nhận trước phải được ban hành không chậm hơn 03 ngày kể từ ngày công bố các văn bản pháp luật nêu trên và có hiệu lực cùng ngày với ngày có hiệu lực của các văn bản pháp luật đó.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ CÔNG THƯƠNG

0 comments:

Đăng nhận xét

Xúc tiến thương mại

Tin kinh tế

Hãng tàu container

Giao nhận vận tải quốc tế

 
Designed by Mạc Hữu Toàn. Email: toantidviko@gmail.com