6/11/11

Doanh nghiệp xuất khẩu kêu khó

Theo VCCI.
Để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì biện pháp hàng đầu được các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp đưa ra chính là đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn này, vừa qua tại TP.Hồ Chí Minh, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam đã phối hợp cùng Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức buổi tọa đàm "Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô", thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp xuất khẩu.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu có sự tăng trưởng rõ rệt song hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng giá trị xuất khẩu tăng chủ yếu là do giá cả nguyên liệu thô tăng, trong khi đó đối với các hàng hóa có hàm lượng chất xám cao, hàng qua chế biến, sử dụng trang thiết bị công nghệ hiện đại thì giá trị xuất khẩu vẫn thấp. Chưa kể đến một số mặt hàng tăng trưởng âm như dây điện, cáp điện và hóa chất… Trong khi đó, Việt Nam vẫn nhập siêu với tổng kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2011 ước đạt 67,57 tỉ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ; trong đó kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước chiếm tỷ trọng 55,1% và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 44,9%. Như vậy, ước tính tổng nhập siêu trong 8 tháng đầu năm nay là khoảng 6,21 tỉ USD chủ yếu nhập hàng hóa từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN.


Chính vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp than lỗ nặng vì các khoản chi phí đầu vào như lương, xăng dầu, nguyên liệu, lãi suất ngân hàng đều tăng cao; tính ra nguồn lợi họ hưởng được từ xuất khẩu đã bị chia đều vào khoản chi phí đầu vào, cuối cùng lời lãi chẳng được bao nhiêu. Cụ thể Phó Tổng giám đốc Công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe) Nguyễn Công Hoàng cho biết tại thời điểm hiện nay, giá cà phê đang ở mức khá cao, theo đó ước tính cả năm 2011 giá trị xuất khẩu của ngành cà phê đạt khoảng 2,5 tỉ USD. Tuy nhiên xét tới cùng thì doanh nghiệp xuất khẩu cà phê sẽ chẳng kiếm lợi được mấy bởi lãi suất ngân hàng quá cao. Tính đến nay Vinacafe đã phải chi ra hơn 300 tỉ đồng tiền lãi ngân hàng, một con số không phải nhỏ đối với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khó khăn, lạm phát như hiện nay.

Riêng ông Vũ Đức Thịnh, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết mặc dù 8 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu của Vinatex đạt 1,6 tỉ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2010 nhưng lợi nhuận đạt được vẫn không cao do chi phí đầu vào tăng mạnh, trong khi đầu ra vẫn giữ mức cố định vì hầu hết đơn hàng đều đã ký từ đầu năm, không thể tùy tiện tăng giá cho phù hợp.

Cùng chung cảnh ngộ với Vinatex, đại diện của Hiệp hội Cao su, Hiệp hội ca cao, Hiệp hội Hồ tiêu, Hiệp hội điều và các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ, nhựa, càphê, thủy hải sản, nông sản…cũng đã lần lượt trình bày những trở ngại mình vấp phải trong quá trình xuất khẩu, đặc biệt là áp lực lạm phát tại nhiều nước. Riêng trong nước, việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để tái sản xuất và phát triển kinh doanh. Nếu không sớm có những giải pháp tháo gỡ kịp thời thì sẽ còn có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam lâm vào tình trạng phá sản.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương – ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ Chiến lược phát triển xuất khẩu Việt Nam đến năm 2020. Theo đó để tích cực hỗ trợ doanh nghiệp cũng như gia tăng kim ngạch xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường và các ưu đãi theo các cam kết quốc tế. Tăng cường hoạt động xuất khẩu theo hướng giảm xuất khẩu các mặt hàng thô, tăng xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, sử dụng công nghệ hiện đại. Ngoài ra Bộ cũng sẽ tăng cường công tác thông tin, nghiên cứu, dự báo thị trường để thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước song song với đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, có giải pháp phù hợp để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng truyền thống. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào những khâu ngoài sản xuất, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng nước ngoài.

Ông Trần Duy Hưng - Phó vụ trưởng Vụ 2, Văn phòng Trung ương Đảng cho biết dự ước kim ngạch xuất khẩu của 2011 của Việt Nam có thể đạt khoảng 90 tỷ USD và tổng kim ngạch nhập khẩu vào khoảng 110 tỷ USD. Với dự ước như thế thì  tỷ lệ nhập siêu vẫn còn rất lớn so với quy mô của nền kinh tế nước và việc giảm tỷ lệ nhập siêu là mục tiêu hàng đầu mà Việt Nam cần phấn đấu. Ông Hưng nhấn mạnh: “Chúng tôi rất muốn được lắng nghe ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm từ phía các Tập đoàn, các tổng công ty cũng như các doanh nghiệp. Văn phòng Trung ương Đảng sẽ tổng hợp và tiếp thu những ý kiến xác đáng để báo cáo trực tiếp lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư để chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cùng doanh nghiệp thực hiện tốt mục tiêu đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu của VN trong năm nay cũng như những năm tiếp theo”.

Đồng tình với ông Hưng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cam kết sẽ tập hợp đầy đủ những vướng mắc cũng như ý kiến đóng góp, đề xuất của doanh nghiệp đệ trình lên Chính phủ và các cơ quan hữu quan để cùng tháo gỡ những nút thắt, đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời để tăng lực cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu đạt hiệu quả cao nhất.
Thanh Tân

0 comments:

Đăng nhận xét

Xúc tiến thương mại

Tin kinh tế

Hãng tàu container

Giao nhận vận tải quốc tế

 
Designed by Mạc Hữu Toàn. Email: toantidviko@gmail.com