Hoàn thành 88% mục tiêu kế hoạch đề ra chỉ trong 9 tháng đầu năm, lĩnh vực xuất khẩu dẫn đầu cả nước khi có mức tăng trưởng ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 70 tỉ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) gần 32,5 tỷ USD, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm trước. Đã có 20 mặt hàng có kim ngách xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Những con số ấn tượng Giá hàng hóa xuất khẩu từ đầu năm đến nay của các mặt hàng tính được về giá tăng cao so với mức giá bình quân của năm 2010. Tính chung cho cả 2 nhóm hàng nông sản, nhiên liệu và khoáng sản do tăng giá đã đóng góp 4,94 tỷ USD vào gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Nếu tính cả tăng giá và tăng lượng, đã đóng góp 5,78 tỷ vào giá trị gia tăng toàn ngành. Tất cả các thị trường xuất khẩu đều ghi nhận mức tăng về giá trị, trong đó có 2 thị trường có tốc độ tăng nhanh nhất thị trường Châu Phi và Châu Á. Thị trường Châu Phi ước xuất khẩu tăng gấp 2,6 lần, thị trường Châu Á ước tăng 42%. Thị trường Châu Âu ước tăng 24%, Châu Mỹ ước tăng 21%, Châu Đại Dương ước tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2010. Xuất khẩu sang thị trường Châu Phi tăng cao chủ yếu do xuất khẩu vàng sang Nam Phi tăng gấp 4 lần, ngoài ra một số thị trường khác ở khu vực này như Ai Cập, Angiêri, Xênaga, Bờ Biển Ngà đều có mức tăng trưởng cao trên 40%. Xuất khẩu sang thị trường Châu Âu tăng cao ở các nước thuộc EU 27 do sự gia tăng chủ yếu của những mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, da giầy, đồ gỗ, linh kiện điện tử. Tuy nhiên, do cuộc do kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn nên nhu cầu tiêu dùng giảm, vì vậy thị trường Châu Mỹ tăng trưởng thấp hơn mức tăng bình quân của cả nước. So với cùng kỳ năm 2011, có thêm 5 mặt hàng có KNXK xuất khẩu trên 1 tỷ USD đó là: nhân điều; xăng dầu các loại; xơ, sợi dệt các loại; sắt thép các loại; dây điện và cáp điện đã đưa tổng số các mặt hàng có quy mô xuất khẩu trên 1 tỷ USD là 20 mặt hàng. Ước nhập siêu 9 tháng đầu năm 2011 là hơn 6,8 tỷ USD, chiếm khoảng 9,8% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) nhập siêu gần 1,74 tỷ USD. Nếu không tính kim ngạch xuất khẩu vàng vào tổng kim ngạch xuất khẩu, thì nhập siêu 9 tháng ước gần 9,4 tỷ USD, bằng 13,9% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu với khu vực Châu Á. Ông Nguyễn Thành Biên - Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá: Nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam 9 tháng năm 2011 khá tích cực, tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập. Cán cân thương mại nhờ đó đã được cải thiện, nhập siêu chiếm khoảng 9,8% KNXK, thấp hơn mức kế hoạch của Chính phủ. Về vấn đề nhập siêu, nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là do hầu hết giá các mặt hàng nông sản, nhiên liệu và khoáng sản đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái (do tăng giá các mặt hàng này đã đóng góp 4,94 tỷ USD vào gia tăng KNXK). Không lơ là trong hai tháng cuối năm Những con số ấn tượng trên đã phần nào cho thấy các giải pháp và chính sách của Nhà nước đã phát huy hiệu quả, đồng thời sẽ tiếp tục tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu trong thời gian tới. Đặc biệt lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm, tỷ giá và thị trường ngoại hối dần đi vào quỹ đạo ổn định, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Bộ Công Thương dự báo, nhập khẩu trong những tháng cuối năm thường tăng cao, vì vậy, vẫn cần tiếp tục phải kiểm soát chặt chẽ, đồng thời khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu. Với mục tiêu kế hoạch KNXK tăng 10% thì cả năm phải đạt 79,4 tỷ USD. Trong chín tháng đầu năm đã đạt 70 tỷ USD và như vậy 3 tháng cuối chỉ cần mỗi tháng đạt hơn 3 tỷ USD là hoàn thành kế hoạch. Theo thống kê của những năm gần đây KNXK Việt Nam thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, nếu không có yếu tố đột biến khả năng xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 95 tỷ USD. Hiện một số ngành hàng chủ lực đang có dấu hiệu sa sút về đơn hàng do khủng hoảng nợ công tại nhiều nước EU lan rộng. Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Thành Biên cho biết: “Chúng tôi muốn hạn chế các tác động từ các thị trường ngoài nước như khủng hoảng nợ công… từ đó gắn kết với sản xuất của khu vực trong nước, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu tăng lợi nhuận. Các doanh nghiệp cần có chiến lược dài hơn nhằm chủ động trước các biến động của thị trường, nắm bắt các thời cơ trong giao thương và xuất khẩu”. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu đã nêu tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và xây dựng Kế hoạch điều hành xuất nhập khẩu năm 2012 của Bộ Công Thương. Trong đó, Bộ sẽ tập trung vào các biện pháp như phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành tỷ giá và các giải pháp về tài chính, tiền tệ hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, triển khai việc phổ biến chính sách, cơ chế xuất nhập khẩu và cam kết của Việt Nam cần thực hiện cho địa phương và các doanh nghiệp. Về kiểm soát nhập khẩu, các doanh nghiệp sẽ tăng cường sản xuất hàng hoá trong nước thay thế nhập khẩu, thực hiện việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách. Bộ Công Thương sẽ thực hiện Thông tư số 24/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 5 năm 2010 về hướng dẫn áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập khẩu các hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu. Việt Nam đang zây dựng các rào cản kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hạn chế nhập khẩu các hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân, hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu. Hương Giang |
0 comments:
Đăng nhận xét