Số liệu thống kê Hải quan Việt Nam - 24/10/2011 10:00 AM
1. Đánh giá chung
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước trong tháng 9/2011 đạt 17,39 tỷ USD, giảm 7,9% so với một tháng trước đó và tăng tới 30,7% so với tháng 9/2010. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,94 tỷ USD, giảm 14,1 % so với tháng 9/2011; nhập khẩu là 9,45 tỷ USD, tăng 2,1%. Nhập siêu trong tháng là 1,5 tỷ USD, bằng 18,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Biểu đồ 1: Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại
9 tháng 2011
Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2011 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 147,05 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá hàng hoá xuất khẩu đạt 69,73 tỷ USD, tăng 34,9% và nhập khẩu là 77,32 tỷ USD, tăng 27,7%. Cán cân thương mại hàng hóa trong 9 tháng đầu năm thâm hụt 7,59 tỷ USD, bằng 10,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tính đến hết tháng 9/ 2011, tổng trị giá xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 67,03 tỷ USD, tăng 33,2% so với kết quả thực hiện của cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp này là 32,78 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2010 và chiếm 47,0% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; ở chiều ngược lại tổng trị giá nhập khẩu của các doanh nghiệp này là 34,24 tỷ USD, tăng 30,3% và chiếm 44,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước 9 tháng 2011.
Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp FDI là nhóm hàng công nghiệp chế biến, trong khi xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tập trung vào nhóm hàng nông sản và khoáng sản. Đây cũng là ưu thế của các doanh nghiệp FDI. Kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến của các doanh nghiệp này ngày càng gia tăng và chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong nước.
Biểu đồ 2: Tỷ trọng 10 nhóm hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước 9 tháng/2011
2. Thị trường xuất nhập khẩu hàng hoá
Tính đến hết quý 3/2011, trị giá thương mại hàng hoá của Việt Nam với các châu lục đều tăng trưởng ở mức hai con số. Trong đó, thương mại song phương của Việt Nam với châu Phi có trị giá thấp nhất (4,14 tỷ USD) nhưng lại có mức tăng trưởng cao nhất (114%); trị giá thương mại hàng hoá với châu Á tiếp tục dẫn đầu cả nước với 96,2 tỷ USD, tăng 33,1% và chỉ thấp hơn mức tăng của xuất nhập khẩu với châu Phi.
Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu với các châu lục 9 tháng
năm 2011 và tốc độ tăng/giảm so với cùng kỳ năm 2010
Thị trường | Xuất khẩu | Nhập khẩu | ||||
Kim ngạch | Tỷ trọng | So với cùng kỳ 2010 (%) | Kim ngạch | Tỷ trọng | So với cùng kỳ 2010 (%) | |
Châu Á | 35.287 | 50,6 | 44,8 | 60.951 | 78,8 | 27,1 |
- ASEAN | 9.703 | 13,9 | 28,7 | 15.535 | 20,1 | 32,3 |
- Trung Quốc | 7.524 | 10,8 | 56,9 | 17.374 | 22,5 | 22,2 |
Châu ÂU | 14.352 | 20,6 | 25,1 | 7.949 | 10,3 | 25,7 |
- EU(27) | 11.583 | 16,6 | 48,0 | 5.439 | 7,0 | 15,5 |
Châu Đại Dương | 2.140 | 3,1 | 1,9 | 2.010 | 2,6 | 67,2 |
Châu Mỹ | 14.867 | 21,3 | 20,1 | 5.356 | 6,9 | 18,1 |
- Hoa Kỳ | 12.388 | 17,8 | 19,1 | 3.198 | 4,1 | 18,4 |
Châu Phi | 3.086 | 4,4 | 123,7 | 1.056 | 1,4 | 89,9 |
Tổng | 69.732 | 100,0 | 34,9 | 77.322 | 100,0 | 27,7 |
Tính đến hết quý III/2011 có 22 thị trường Việt Nam xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong đó có 19 thị trường đạt mức tăng trưởng dương với tốc độ tăng trưởng khá cao, cụ thể: Nam Phi: 1,71 tỷ USD, tăng gấp 4,2 lần; Inđônêxia: 1,57 tỷ USD, tăng 86,5%; Hàn Quốc: 3,49 tỷ USD, tăng 70,4%; Ấn Độ: 1,03 tỷ USD, tăng 61,5%; Pháp: 1,14 triệu USD, tăng 59,5%; Ý: 1,06 tỷ USD, tăng 58%; Campuchia: 1,73 tỷ USD, tăng 57,1%; Trung Quốc: 7,52 tỷ USD, tăng 56,9%;…so với cùng kỳ năm 2010.
Ở chiều ngược lại, tính từ đầu năm đến hết quý III/2011 có 13 thị trường Việt Nam nhập khẩu trên 1tỷ USD và đều đạt mức tăng trưởng dương như: Trung Quốc: 17,37 tỷ USD, tăng 22,2%; Hàn Quốc: 9,22 tỷ USD, tăng 33,2%; Nhật: 7,42 tỷ USD, tăng 14,8%; Đài Loan: 6,40 tỷ USD, tăng 25,5%; Singapo: 4,76 tỷ USD, tăng 48,9%; Thái Lan: 4,96 tỷ USD, tăng 25%; Hoa Kỳ: 3,20 tỷ USD, tăng 18,4%; Malaixia: 2,80 tỷ USD, tăng 18,5%… so với cùng kỳ năm trước.
Hết quý III/2011 có 5 thị trường Việt Nam nhập siêu trên 3 tỷ USD, trong đó nhập siêu với Trung Quốc lên tới hơn 9,85 tỷ USD; tiếp đến là Hàn Quốc: 5,73 tỷ USD; Đài Loan: 5,09 tỷ USD; Thái Lan: 3,65 tỷ USD Xingapore: 3,13 tỷ USD; …
3. Một số mặt hàng xuất khẩu chính
Hàng thủy sản: xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng đạt 560 triệu USD, giảm 8,8% so với tháng trước, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng lên 4,35 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2010.
Tính đến hết quý III/2011 xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường EU đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 19,3%; sang Hoa Kỳ đạt 827 triệu USD, tăng 27,6%; sang Nhật Bản đạt 672 triệu USD, tăng 5,4% và sang Hàn Quốc đạt 345 triệu USD, tăng 38,1%.
Gạo: Lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong tháng 9 là 455 nghìn tấn, giảm 40,5%, trị giá đạt 253 triệu USD, giảm 35,9% so với tháng trước. Như vậy, tính đến hết quý III/2011, lượng xuất khẩu nhóm hàng này là 5,93 triệu tấn, tăng 10,3% và trị giá đạt 2,97 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng qua chủ yếu tập trung sang các thị trường sau: Inđônêxia: 1,18 triệu tấn (9 tháng/2010 là 35 nghìn tấn); Philippin: 918 nghìn tấn, giảm 37,5%; Xênêgan: 408 nghìn tấn, tăng gấp 3,9 lần; Cu Ba: 404 nghìn tấn, tăng 15,8%; Malaixia: 398 nghìn tấn, tăng 51,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cà phê: Lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 9/2011 là 27 nghìn tấn, trị giá đạt 61 triệu USD, giảm 24,6% về lượng và giảm 26,6% về trị giá so với tháng trước. Như vậy, tính đến hết tháng 9/2011, lượng cà phê xuất khẩu của nước ta đạt 997 nghìn tấn, trị giá đạt 2,2 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 65,8% về trị giá so với 9 tháng/2010.
Cao su: Trong tháng lượng cao su xuất khẩu đạt 79 nghìn tấn, trị giá đạt 340 triệu USD, giảm 3,5% về lượng và giảm 1,2% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết quý III/2011, tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước đạt 528 nghìn tấn, tăng 3%, trị giá đạt 2,28 tỷ USD, tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2010.
Như vậy, hết tháng 9/2011, Trung Quốc vẫn là đối tác chính nhập khẩu cao su của Việt Nam trong 9 tháng qua với 321 nghìn tấn, tăng 7,1% và chiếm tới 60,9% lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam. Thị trường tiếp theo là EU: 46 nghìn tấn, tăng 13,4%; Malaixia: 40 nghìn tấn, tăng 16,2%…
Dầu thô: Lượng xuất khẩu dầu thô trong tháng là 531 nghìn tấn, giảm 41,7% trị giá đạt 458,4 triệu USD, giảm 43,6% so với tháng trước, qua đó nâng tổng lượng dầu thô xuất khẩu của nước ta trong 3 quý lên 6,27 triệu tấn, tăng 4% và kim ngạch đạt 5,53 tỷ USD, tăng 51,7% so với cùng kỳ năm 2010.
Than đá: Lượng xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 9/2011 là 1,48 triệu tấn, trị giá đạt 121,8 triệu USD, tương ứng tăng 9,5% về lượng và giảm 10,7% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết quý III/2011, lượng xuất khẩu than đá của cả nước là hơn 12,62 triệu tấn, giảm 13,2% với trị giá là 1,2 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2010.
Trong 9 tháng qua, Trung Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhập khẩu than đá của Việt Nam với 9,8 triệu tấn, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tới 77,6% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc: 1,17 triệu tấn, giảm 16,8% và Nhật Bản: hơn 1 triệu tấn, giảm 26,7%…
Hàng dệt may: Sau 3 tháng liên tục tăng và đạt mức kỷ lục vào tháng 8 (1,51 tỷ USD) thì xuất khẩu nhóm hàng dệt may trong tháng này lại giảm 15,2% so với tháng trước, kim ngạch đạt 1,28 tỷ USD. Hết tháng 9/2011, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 10,39 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết quý III/2011, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 5,19 tỷ USD, tăng 15,2%; sang EU đạt 1,92 tỷ USD, tăng 43,7%; sang Nhật Bản đạt 1,22 tỷ USD, tăng 52,8% và sang Hàn Quốc: 631 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần so với 9 tháng/2010.
Giày dép các loại: Kim ngạch xuất khẩu trong tháng đạt 437 triệu USD, giảm 24,8% so với tháng 8/2011, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng giày dép trong 9 tháng lên hơn 4,65 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2010.
Các đối tác chính nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam là: EU: 1,83 tỷ USD, tăng 14,6% và chiếm 39,4% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước,tiếp theo là Hoa Kỳ đạt 1,39 tỷ USD, tăng 36,6%; Nhật Bản: 187 triệu USD, tăng 43,1%; Trung Quốc đạt 171 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2010.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng: Trong tháng 9/2011, trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng đạt 378 triệu USD, giảm 4,7% so với tháng 8/2011, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 3 quý lên 2,77 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2010.
Trong 9 tháng qua Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nhóm hàng sang các thị trường Nhật Bản: 685 triệu USD, tăng 8,9%; Hoa Kỳ: 394 triệu USD, tăng 84,7%; EU: 301 triệu USD, tăng 51%; Trung Quốc: 202 triệu USD, tăng 15,3% và Hồng Kông: 176 triệu USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Điện thoại các loại & linh kiện: Trị giá xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại & linh kiện trong tháng 9/2011 đạt 836 triệu USD, tăng 17,8% so với tháng trước, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 9 tháng lên 4,13 tỷ USD, tăng gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm 2010.
Những đối tác chính nhập khẩu điện thoại các loại & linh kiện của Việt Nam trong 9 tháng qua là EU với 1,72 tỷ USD (9 tháng/2010 là 151 triệu USD), chiếm 41,6% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là Nga: 365 triệu USD, tăng gấp 2,6 lần; Hồng Kông: 296 triệu USD, tăng 23,5 triệu USD và Ấn Độ: 269 triệu USD, tăng 90,7% so với cùng kỳ năm 2010.
Biểu đồ 3: Trị giá xuất khẩu điện thoại các loại & linh kiện
theo tháng trong năm 2010 và 9 tháng/2011
Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 9/2011 đạt 355 triệu USD, giảm 4,8% so với tháng trước, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu trong 9 tháng lên 2,77 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Các đối tác thương mại chính nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện của Việt Nam trong 9 tháng qua là: EU với 494 triệu USD, tăng 7,7%; Trung Quốc: 444 triệu USD, giảm 4,1%; Hoa Kỳ: 371 triệu USD, giảm 10%; Nhật Bản: 271 triệu USD, giảm 4,1% và Hồng Kông: 238 triệu USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước.
4. Một số mặt hàng nhập khẩu chính
Chất dẻo nguyên liêu: trong tháng lượng nhập khẩu nhóm hàng này đạt 191 nghìn tấn, giảm 16,3%, trị giá là 369 triệu USD, giảm 13,4% so với tháng 8/2011. Tính đến hết tháng 9/2011, lượng chất dẻo nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam là 1,84 triệu tấn, tăng 4,9% với kim ngạch đạt 3,46 tỷ USD, tăng 27,4% so với 9 tháng 2011.
Hết quý III/2011, các đối tác chính cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam là Hàn Quốc: 313 nghìn tần, giảm nhẹ 2,8%; Đài Loan: 268 nghìn tấn, tăng nhẹ 0,9%; Ảrập xêut: 344 nghìn tấn, tăng 8,4%; Thái Lan: 200 nghìn tấn, tăng 4,6%; Trung Quốc: 122 nghìn tấn, tăng 54%;… so với cùng kỳ năm 2011.
Phân bón các loại: Lượng phân bón nhập khẩu trong tháng là 461 nghìn tấn, tăng 30,5% so với tháng 8 (trong đó nhập khẩu nhiều nhất là phân Urê với gần 155 nghìn tấn), tăng 33,2% trị giá nhập khẩu đạt gần 203 triệu USD, tăng 37,2% so với tháng 8/2011. Hết quý III/2011, tổng lượng phân bón các loại nhập khẩu vào Việt Nam là hơn 3 triệu tấn, tăng 37,6%, trị giá là 1,24 tỷ USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2010.
Tính đến hết quý III/2011, Việt Nam nhập khẩu phân bón chủ yếu có xuất xứ từ: Trung Quốc: 1,43 triệu tấn, tăng 51,4%; Bêlarút: 290 nghìn tấn, tăng gấp 3,5 lần; Philippin: 255 nghìn tấn, tăng 115%; Nhật Bản: 185 nghìn tấn, tăng gần 24%; Nga: 101 nghìn tấn, giảm 65,3%; Hàn Quốc: 85 nghìn tấn, giảm 8,9%;…
Xăng dầu các loại: Trong tháng, lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 960 nghìn tấn, trị giá đạt 938triệu USD, tương ứng tăng 10,1% về lượng và 13,2% về trị giá so với tháng thực hiện trước đó. Nâng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước đến hết tháng 9/2011 là 8,38 triệu tấn, tăng 7,9% với trị giá gần 7,69 tỷ USD, tăng 59,4% so với cùng kỳ năm 2010.
Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ: Singapore với 3,59 triệu tấn, tăng 25,6%; tiếp theo là Đài Loan: 1,1 triệu tấn, tăng 18%; Trung Quốc: 958 nghìn tấn, giảm 24%; Hàn Quốc: 802 nghìn tấn, giảm 18%; ….
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng: trong tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này là 1,33 tỷ USD, giảm 11,4% so với tháng trước. Như vậy, tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng/2011 của nhóm mặt hàng này là 11,2 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2010 và là nhóm hàng dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam. Trong đó, khu vực FDI nhập khẩu 4,62 tỷ USD, tăng 26,6% và các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 6,5 tỷ USD, tăng 4,2% so với một năm trước đó.
Bảng 3: Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị chi tiết theo thị trường của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước
Đơn vị tính: triệu USD
Doanh nghiệp FDI | Doanh nghiệp trong nước | ||||
Thị trường | Trị giá | % trong tổng trị giá NK của khối FDI | Thị trường | Trị giá | % trong tổng trị giá NK của khối DN trong nước |
Nhật Bản | 1.250 | 27,1 | Trung Quốc | 2.560 | 39,2 |
Trung Quốc | 1.203 | 26,0 | EU | 1.350 | 20,7 |
Hàn Quốc | 589 | 12,7 | Nhật Bản | 762 | 11,7 |
EU | 438 | 9,5 | ASEAN | 428 | 6,6 |
Đài Loan | 409 | 8,8 | Hoa Kỳ | 386 | 5,9 |
ASEAN | 397 | 8,6 | Hàn Quốc | 319 | 4,9 |
Hoa Kỳ | 158 | 3,4 | Đài Loan | 254 | 3,9 |
Ấn Độ | 28 | 0,6 | Ấn Độ | 127 | 1,9 |
Hồng Kông | 12 | 0,3 | Nga | 30 | 0,5 |
Các thị trường khác | 136 | 3,0 | Các thị trường khác | 317 | 4,9 |
Tổng cộng | 4.619 | 100,0 | Tổng cộng | 6.533 | 100,0 |
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: kim ngạch nhập khẩu trong tháng ở mức cao nhất từ trước tới nay với gần 814 triệu USD, tăng 14,7% so với tháng trước, nâng tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này 9 tháng/2011 lên 4,8 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2010. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 3,8 tỷ USD, tăng 46,7% và các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu hơn 1 tỷ USD, tăng 3,8% so với 9 tháng/2010.
Trong 9 tháng qua nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc: 1,49 tỷ USD, tăng 29,4% và chiếm 30,8% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước; Hàn Quốc: 1,2 tỷ USD, tăng 112% và chiếm tỷ trọng 25%; Nhật Bản: 754 triệu USD, tăng nhẹ 0,8%; Malaixia: 302 triệu USD, tăng 19,4%; Xingapo: 233 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2010;…
Điện thoại các loại và linh kiện: trong tháng, cả nước nhập khẩu gần 295 triệu USD, tăng 17,7% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu trong 9 tháng/2011 lên 1,71 tỷ USD, tăng 68,3% so với 9 tháng/2010.
Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này trong 3 quí năm 2011 chủ yếu từ các thị trường: Trung Quốc: 1,13 tỷ USD, chiếm 66% kim ngạch nhập khẩu của cả nước; Hàn Quốc: 514 triệu USD; Đài Loan: 28,5 triệu USD; EU: 15,9 triệu USD;…
Nhóm hàng nguyên liệu, phụ liệu ngành dệt may, da, giày: trong tháng kim ngạch nhập khẩu đạt 925 triệu USD, giảm 2,5% so với tháng trước. Trong đó trị giá nhập khẩu vải là 509 triệu USD, giảm 3,9%; nguyên phụ liệu dệt may da giày 239 triệu USD, tăng 3%; xơ sợi dệt là 119 triệu USD, giảm 5,2% và bông là 57,5 triệu USD, tăng 6,4%.
Các thị trường chính cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 9 tháng qua là: Trung Quốc: 2,95 tỷ USD, tăng 31,9%so với cùng kỳ năm 2010; Hàn Quốc: 1,55 tỷ USD, tăng 25,9%; Đài Loan: 1,53 tỷ USD, tăng 23%; Hoa Kỳ: 613 triệu USD, tăng mạnh gấp 2 lần,…
Việt Nam nhập khẩu sắt thép trong 9 tháng/2011 chủ yếu có xuất xứ từ: Nhật Bản với 1,4 triệu tấn, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2010; Trung Quốc: 1,2 triệu tấn, giảm 28,2%; Hàn Quốc: 1,2 triệu tấn, tăng 12,6%; Đài Loan: 591 nghìn tấn, tăng 4,7%;…
Ô tô nguyên chiếc: Trong tháng lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu là 3,76 nghìn chiếc, tăng 12,8%, trong đó ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu hơn 2,2 nghìn chiếc, tăng 38,5%; ô tô tải nhập khẩu 1,26 nghìn chiếc, giảm 16,3% so với tháng 8/2011.
Tính đến hết 9 tháng/2011, cả nước nhập khẩu gần 45 nghìn chiếc, tăng 22%, trong đó xe dưới 9 chỗ là hơn 29,3 nghìn chiếc, tăng tới 25,5%; ô tô tải là 13 nghìn chiếc, tăng 26,5%; ô tô loại khác là 2,6 nghìn chiếc, giảm 18% so với 9 tháng/2010.
Biểu đồ 4: Lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại trong 9 tháng/2011
Xe ôtô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Hàn Quốc với 19,9 nghìn chiếc, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, lượng xe dưới 9 chỗ ngồi là 14,3 nghìn chiếc, tăng 9,4% và chiếm 72% lượng xe nhập khẩu từ thị trường này. Tiếp theo là thị trường Thái Lan: 4,8 nghìn chiếc, tăng 165%; Trung Quốc: 4,2 nghìn chiếc, tăng 34,6%; Nhật Bản: 4,1 nghìn chiếc, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2010;…
Số liệu thống kê Hải quan Việt Nam
0 comments:
Đăng nhận xét