Theo: customs.gov.vn
Trình tự thực hiện:
- Đối với cá nhân, tổ chức:
Người nhập cảnh khai báo và nộp hồ sơ hải quan trong trường hợp quy định gồm:
- Tờ khai nhập cảnh/ xuất cảnh (bản chính)
- Tờ khai hải quan phi mậu dịch (nếu có, bản chính);
- Đối với cơ quan hành chính nhà nước:
+ Đối với hành lý của người nhập cảnh đi Cửa Đỏ:
a) Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ hải quan do người nhập cảnh khai báo hải quan và nộp.
b) Kiểm tra thực tế hành lý qua máy soi và lưu hình ảnh kiểm tra trong máy theo quy định. Nếu xét thấy cần thiết thì kiểm tra thủ công và ghi kết quả kiểm tra vào tờ khai hải quan theo quy định.
c) Tính và thu thuế đối với hành lý vượt định mức miễn thuế (nếu có).
d) Lập biên bản để xử lý vi phạm (nếu có).
đ) Ký và đóng dấu công chức hải quan vào Tờ khai nhập cảnh / xuất cảnh, Tờ khai hải quan phi mậu dịch (nếu có) theo quy định để thông quan hành lý.
+ Đối với hành lý của người nhập cảnh đi Cửa Xanh:
a) Người nhập cảnh đi Cửa Xanh có hành lý thuộc diện không phải khai hải quan theo quy định tại khoản 1, Điều 4 Nghị định số 66/2002/NĐ-CP ngày 01/07/2002 của Chính phủ và gạch (-) thứ 1, điểm 1.b, Điều 4 Quyết định số 29/2006/QĐ-BTC ngày 08/05/2006 của Bộ Tài chính thì không phải khai hải quan trên tờ khai nhập cảnh/xuất cảnh nhưng phải chịu sự giám sát hải quan. Hải quan sân bay phải tổ chức biện pháp giám sát phù hợp. Nếu có căn cứ khẳng định người nhập cảnh có hành lý vi phạm thì tạm giữ hành lý, yêu cầu người nhập cảnh phải khai hải quan và lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật.
b) Các đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi, miễn trừ về khai hải quan, kiểm tra hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.
c) Trường hợp có căn cứ khẳng định người nhập cảnh có thân phận Ngoại giao mang mặt hàng cấm nhập khẩu thì công chức Hải quan báo cáo ngay cho Chi cục trưởng; Chi cục trưởng tiếp tục báo cáo ngay cho Cục trưởng Cục Hải quan thành phố đồng thời báo cáo bằng phương tiện nhanh nhất cho Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan để xin ý kiến chỉ đạo.
+ Đối với hành lý ký gửi không cùng chuyến:
Hành lý ký gửi không cùng chuyến gồm hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi của người nhập cảnh thì phải khai hải quan vào tờ khai hải quan phi mậu dịch và thực hiện thủ tục hải quan theo quy định
- Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính
- Thành phần, số lượng hồ sơ:
- Thành phần hồ sơ gồm:
+ Tờ khai nhập cảnh/ xuất cảnh (bản chính);
+ Tờ khai hải quan phi mậu dịch (nếu có, bản chính);
- Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)
- Thời hạn giải quyết: Thời hạn tiếp nhận, đăng ký, kiểm tra hồ sơ hải quan: ngay sau khi người khai hải quan nộp, xuất trình hồ sơ hải quan đúng quy định của pháp luật.
- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: cá nhân, tổ chức.
- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
+ Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Chi cục Hải quan
+ Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Chi cục Hải quan
- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Xác nhận thông quan
- Lệ phí (nếu có): Mức 20.000 đồng/tờ khai theo TT 43/2009/TT-BTC
- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai (nếu có và đề nghị đính kèm ngay sau thủ tục):
+ Tờ khai hải quan xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch
- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính nếu có: không
- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
+ Luật Hải quan sửa đổi năm 2005.
+ Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.
+ Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính Hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
0 comments:
Đăng nhận xét