18/2/13

Làm ăn với Panama: Đừng ngại đường xa

Làm ăn với Panama: Đừng ngại đường xa

Cách Việt Nam 12 giờ bay và nửa vòng trái đất, Panama- đất nước nhỏ bé với dân số 3,4 triệu người, nằm ở vị trí “thắt đáy lưng ong” giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ rộng lớn- hiện đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của giới doanh nhân.

 
CôngThương - Những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Panama ngày càng trở nên nhộn nhịp tuy mức độ tăng trưởng còn khiêm tốn. Năm 2000, kim ngạch trao đổi hai chiều chỉ đạt 17 triệu USD, đến năm 2007 đã đạt hơn 266 triệu USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2012 đạt 120,3 triệu USD. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Panama có cơ cấu gần giống với các thị trường khác, đều là những mặt hàng có thế mạnh. Có rất nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt khai thác, tận dụng cũng như tìm kiếm những đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Hiện nay, Panama được biết đến là một quốc gia đầy tiềm năng, đang tiến hành cải cách thể chế năng động, thông thoáng và có môi trường kinh doanh rộng mở nhằm thu hút đầu tư và khuyến khích các hoạt động thương mại. Panama là nước có nền kinh tế phát triển với những ngành hàng ưu thế như du lịch, tài chính, ngân hàng, công nghiệp và thương mại. Đặc biệt, ngành dịch vụ ở Panama rất phát triển, chiếm 80% nguồn thu. GDP của Panama 5 năm qua tăng trung bình từ 8 đến 10%, năm 2012 được dự đoán là 10,8%, đạt 50 tỷ USD.
Panamađang triển khai tái thiết đất nước, xây dựng và làm mới nhiều công trình hạ tầng, trong đó quan trọng nhất là dự án mở rộng thêm kênh đào để các loại tàu thuyền có trọng tải lớn qua lại dễ dàng, tạo điều kiện tốt hơn cho vận tải đường biển giữa hai đại dương. Xây dựng sân bay lớn nhất Mỹ Latinh, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014. Ngoài ra còn có các dự án đầu tư mở rộng, cơ sở hạ tầng hải cảng lớn nhất Mỹ Latinh, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở Thủ đô Panama, xây dựng hệ thống nhà kho, nhà máy đông lạnh... Đây là những cơ hội làm ăn lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Việt Nam.
Panama đã có chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài như: Đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính trong việc thành lập cơ quan đại diện; tự do chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; quyền kinh doanh của mọi pháp nhân được bảo đảm, không có sự phân biệt đối xử với người nước ngoài. Đặc biệt, Panama không yêu cầu visa với bất kỳ công dân nào của Việt Nam khi đến nước này. Vì với Việt Nam, Panama đã có sự hợp tác chặt chẽ về kinh tế, chính trị, hai nước là đối tác quan trọng của nhau. Việt Nam là nước đầu tiên ký Nghị định thư của Hiệp ước trung lập hóa vĩnh viễn và hoạt động của kênh đào Panama trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế ngày nay. Panama là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Hành lang pháp lý, sự hậu thuẫn của chính phủ hai nước đối với doanh nghiệp là rõ ràng. Khi đến Panama làm ăn, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu, nắm bắt thủ tục lập văn phòng giao dịch. Panama là khu vực thương mại tự do lớn vào bậc nhất Mỹ Latinh và của cả thế giới nên thủ tục xin giấy phép mở văn phòng đại diện, chi nhánh cũng rất đơn giản, chỉ mất 1- 2 ngày. Doanh nghiệp chỉ cần đăng ký qua internet, nếu doanh nghiệp mở văn phòng, chi nhánh trong Khu thương mại tự do Colon thì sẽ được cấp 1 giấy phép, còn mở ở bên ngoài thì sẽ được cấp 1 mật mã, sau khi có mật mã, doanh nghiệp chỉ việc kích hoạt là văn phòng, chi nhánh có thể hoạt động được ngay, không phải mất thời gian chờ đợi. Chi phí mở một văn phòng, chi nhánh chỉ dưới 1.000 USD và Panama có rất nhiều văn phòng luật tại một số nước Đông Nam Á. Các doanh nghiệp Việt Nam nên thông qua các văn phòng để tìm hiểu hoặc xin cấp giấy phép là thuận tiện nhất.
Hiện ở Khu thương mại tự do Colon, Việt Nam đã có văn phòng đại diện của Công ty VIETPA, S.A - doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đến với Panama. Bà Hoàng Thị Bạch Yến- Phó giám đốc công ty - cho biết: VIETPA, S.A đã kinh doanh ở Panama trên 6 năm, chuyên về vật liệu xây dựng cao cấp và được thị trường đón nhận, tin tưởng những sản phẩm do công ty cung cấp. Có được thành công như ngày hôm nay, ngoài những nỗ lực, VIETPA, S.A đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan nhà nước Panama hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để VIETPA, S.A vượt qua những khó khăn nơi thị trường xa xôi. Với kinh nghiệm của người đi trước, thông qua văn phòng đại diện của mình, VIETPA, S.A sẵn sàng giúp đỡ các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với thị trường Panama. Một kinh nghiệm quý báu khác, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý nên tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm quốc tế được tổ chức tại Panama, đặc biệt là Hội chợ thương mại quốc tế Expocomer tổ chức thường niên ở Thủ đô Panama và Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ... Điều đó rất có lợi cho việc quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và kết nối bạn hàng.
Du lịch ở Panama cũng rất phát triển, ngoài những tour du lịch thăm danh thắng, nghỉ dưỡng tận hưởng những phong cảnh tuyệt đẹp trên đất liền hoặc vùng vịnh Caribe thì sự tấp nập vui chơi ở những trung tâm thương mại đang rất hút khách. Việt Nam chưa được biết đến nhiều ở Panama, theo lời khuyên của Tổng thống Ricardo Martinell, doanh nghiệp Việt Nam nên nhanh chóng đến Panama mở nhà hàng chuyên bán các món ăn Việt Nam, nhất là món phở- sẽ không có cách quảng cáo nào hiệu quả bằng “con đường” ăn uống để người dân Panama hay nước khác biết đến Việt Nam nhanh hơn. Ngành du lịch Panama đang triển khai xây dựng nhiều khu du lịch sinh thái nên cũng rất cần vốn đầu tư.
Nhiều cơ hội đang chờ đón các nhà đầu tư Việt Nam. Nếu thâm nhập Panama thành công, các doanh nghiệp Việt Nam có thể từ đây vươn sang khu vực thị trường Nam Mỹ rộng lớn với 600 triệu dân. 
Kim Hiền

0 comments:

Đăng nhận xét

Xúc tiến thương mại

Tin kinh tế

Hãng tàu container

Giao nhận vận tải quốc tế

 
Designed by Mạc Hữu Toàn. Email: toantidviko@gmail.com