Sản xuất công
nghiệp và thương mại tháng 4 đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, nhưng
vẫn được đánh giá là thiếu bền vững do chưa thoát khỏi khó khăn chung.
Vì thế, tại buổi giao ban tháng 4 diễn ra sáng 2/5, Thứ trưởng Bộ Công
Thương Nguyễn Thành Biên lưu ý: phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các
DN để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu...
CôngThương - Sản xuất công nghiệp: Tăng trưởng không đều
Nếu
chỉ nhìn vào con số tổng thể mà Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương
Nguyễn Tiến Vỵ đưa ra thì sản xuất công nghiệp của tháng 4/2012 đã có
dấu hiệu tăng trưởng trưởng trở lại khi tăng 1,5% so với tháng trước
và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2011; tính chung 4 tháng chỉ số này
tăng 4,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu xét đơn lẻ thì nhiều ngành sản
xuất đã có mức tăng rất thấp thậm chí còn giảm so với cùng kỳ năm trước,
như công nghiệp chế biến tăng 3,7%, công nghiệp khai thác mỏ giảm
2,3%, các ngành: sợi và dệt vải giảm 2,7%; giày dép giảm 6,5%; bột
giấy, giấy và bìa giảm 1,5%; xi măng giảm 6,5%; sắt thép giảm 8,9%; cáp
điện và dây điện có bọc cách điện giảm 15,5%; sản xuất xe có động cơ
giảm 17,9%;...Theo ông Vỵ: “chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp
do hầu hết các ngành công nghiệp đều chịu ảnh hưởng những khó
khăn chung của nền kinh tế, chí phí sản xuất cao nhưng tiêu thụ
sản phẩm rất chậm“.
Phó
tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, ông Nguyễn Bá Ổn cho biết:
Tháng 4, hầu hết chỉ tiêu hoạt động chủ yếu đều giảm, trừ sản xuất phôi
thép tăng 1%, thép cán giảm gần 14%. Mặc dù giá một số nguyên vật liệu
đầu vào có tăng, nhưng giá bán không tăng, tiêu thụ chậm do nhu cầu
không nhiều. Được biết, sản lượng thép tháng 4 ước đạt 528,0 nghìn tấn,
giảm 1,4% so với tháng 3 và tăng 12,0% so với tháng 4/2011, tính chung 4
tháng ước đạt 1,96 triệu tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Hiện nay, nhiều
nhà máy sản xuất thép vẫn phải tiết giảm sản xuất, chỉ chạy 50-60% công
suất. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu, điện, xăng, dầu đều tăng cao đã
làm cho chi phí sản xuất tăng, buộc các doanh nghiệp thép phải giữ giá
thép thành phẩm ở mức cao.
Hai
lĩnh vực chủ lực là dệt may và da giày dù bước vào mùa cao điểm trong
năm, nhưng hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ có đơn hàng đến quý II, một
số ít các doanh nghiệpký được đơn hàng đến quý III hoặc đang đàm phán
hợp đồng.
Xuất khẩu chững, nhập siêu vẫn giảm
Tháng
4, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,6 tỷ USD, giảm 9,3% so với tháng 3 và
tăng 14,3% so với tháng 4/2011. So với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu
nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt hơn 6,45 tỷ USD, giảm 1,3% và chiếm tỷ
trọng 19,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: một số mặt hàng có
kim ngạch giảm như: cà phê giảm 7,8%; gạo giảm 27,8%; cao su giảm:
8,3%; kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản ước đạt gần 3,58
tỷ USD, giảm 1,2% và chiếm tỷ trọng 10,7%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất
khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt hơn 20,55 tỷ USD, tăng 36,9%
và chiếm tỷ trọng 61,5%... Tính chung 4 tháng năm 2012, tốc độ tăng
xuất khẩu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng nhập khẩu (xuất khẩu tăng
22,1%, nhập khẩu tăng 4,4%) do sự đóng góp của khối các doanh nghiệp có
vốn đầu tư nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2012 của cả
nước tăng hơn 6 tỷ USD, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu
thô) tăng hơn 5,6 tỷ USD. Các mặt hàng có kim ngạch lớn như hàng dệt và
may mặc, giày dép các loại, gỗ và sản phẩm gỗ đạt tốc độ tăng trưởng từ
9%-20%; đặc biệt mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện tăng
154,0%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 98,6%.
Bộ
Công Thương nhận định: bên cạnh những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng thì
một số yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu đó là: giá cả hầu hết mặt
hàng nông sản xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2011; lượng gạo và cà
phê xuất khẩu giảm cũng làm kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này giảm thêm.
Tính chung 4 tháng năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông
sản chính giảm khoảng 82 triệu USD so với cùng kỳ năm 2011.
Tháng
4, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 9 tỷ USD, giảm 0,6% so với
tháng 3 và tăng 0,1% so với tháng 4/2011. Ước nhập siêu 4 tháng đầu năm
là 176 triệu USD, chiếm 0,5% kim ngạch xuất khẩu. Thứ trưởng Nguyễn
Thành Biên đánh giá: có nhiều quan ngại trong diễn biến nhập khẩu của
tháng 4 khi các mặt hàng đều suy giảm mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng không
nhỏ đến sản xuất trong thời gian tới.
Sức
mua hàng hóa trên thị trường tháng 4 có xu hướng tăng so với tháng 3,
tuy nhiên mức tăng không đáng kể và thị trường tiếp tục kém sôi động.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng 4 ước đạt 192,4
nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng 3 và tăng 21,1% so với tháng
4/2011. Tính chung 4 tháng đầu năm ước đạt 762,15 nghìn tỷ đồng, tăng
28,9% so với cùng kỳ (nếu loại bỏ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu
chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 4 tháng chỉ tăng 6,1%).
Gỡ khó từ chính sách đến thực tế
Trước
diễn biến của hoạt động sản xuất và xuất khẩu chưa có tăng trưởng bền
vững, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho nhấn mạnh: đây là vấn đề cần quan
tâm trong thời gian tới của các đơn vị tham mưu cho Bộ Công Thương.
Cần có nghiên cứu kỹ để có những đề xuất giải pháp để tiếp tục tháo gỡ
khó khăn cho DN, địa phương, hiệp hội ngành hàng để đẩy mạnh tiêu thụ
nội địa và xuất khẩu trong tháng 5 và quý 2.
Để
tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ
trong nước cũng như xuất khẩu đại diện một số tập đoàn, tổng công ty và
địa phương đã đưa ra nhiều kiến nghị về chính sách cũng như đề xuất các
giải pháp cụ thể. Trong đó, nhóm các kiến nghị về chính sách tập trung
vào việc cần sớm ban hành nghị định quản lý kinh doanh phân bón là ngành
có điều kiện để tránh hiện tượng phân giả tràn lan trên thị trường, ảnh
hưởng đến sản xuất và chất lượng nông sản; cấp hạn ngạch về nhập khẩu
muối và đường; tháo gỡ việc thực hiện thí điểm tái xuất thuốc lá nhập
lậu tại một số địa phương; thống nhất việc đào tạo nghiệp vụ kinh doanh
xăng dầu và khí hóa lỏng để không gây khó khăn cho doanh nghiệp; tìm
cách để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất
hợp lý; xem xét lại giá thuê đất sản xuất để phù hợp với tình hình sản
xuất của doanh nghiệp.
Theo
Bộ Công Thương, để thúc đẩy sản xuất và XK mặt hàng da giày, trong thời
gian tới các doanh nghiệp cần tiếp tục tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu sang
thị trường Nam Mỹ; chuyển dần từ gia công sang tự sản xuất và tiêu thụ
sản phẩm một cách có hệ thống; chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ
sản xuất; nghiên cứu hợp tác đầu tư sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu
da giày với các nước có tiềm năng như Ấn Độ, Brazil. Ông Hoàng Việt
Dũng- Phó tổng giám đốc Tập đoàn dệt may cho hay: Giải pháp của ngành
dệt may trong tháng 5 và thời gian tiếp theo là đẩy mạnh xúc tiến thương
mại với chủ trương mở rộng thị trường, tranh thủ các khách hàng có sẵn
để cố gắng đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu.
Hoạt
động xúc tiến thương mại được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm
để kích thích sản xuất trong nước và xuất khẩu. Thứ trưởng Nguyễn Thành
Biên khẳng định: cần đẩy mạnh việc triển khai chương trình xúc tiến
thương mại quốc gia nhằm tìm kiếm, mở rộng, khai thông thị trường đối
với các mặt hàng nông sản, thuỷ sản và các mặt hàng công nghiệp xuất
khẩu...góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các
chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng
không khuyến khích nhập khẩu để góp phần kiềm chế nhập siêu.
0 comments:
Đăng nhận xét